Khi con tàu chở dầu khổng lồ hoen rỉ mang tên Lara 1
đến gần Bangladesh, viên thuyền trưởng sử dụng động cơ của nó một lần
cuối để đưa tàu lao lên càng gần bờ càng tốt. Nơi đó, nó sẽ chết.
Khối sắt thép vĩ đại cao 70 mét, dài 400 mét kết thúc
cuộc đời tại bãi lầy trên bờ biển Chittagong,
chờ đợi đội quân gồm nhiều
thiếu niên đến để xẻ nó ra, mang đi bán và đem những món tiền kếch xù
về cho những ông chủ mới của tàu. Các thiếu niên đó liều mình làm công
việc đầy hiểm nguy này để kiếm chừng 1,5 đôla mỗi ngày.
Lara 1 là một trong những xác tàu lớn nhất thế giới,
đang tan biến dần trong nghĩa địa tàu lớn nhất thế giới. Bên trái nó là
một tàu chở hàng lớn đã bị xẻ đôi, bên phải nó là những phần còn lại của
một con phà chở ôtô đến từ châu Âu.
Vùng biển nơi nó đứng trải ra 12 dặm, cách đây chỉ độ
một thập niên, từng là bãi biển trong sạch và hoang sơ. Nhưng nay thì
các tàu chở quặng, tàu container, tàu chở dầu hay du thuyền đủ loại đủ
cỡ đang được phá tung ra trong những phân xưởng của 140 nhà thầu. Mỗi
năm có 250 tàu hết thời, chủ yếu là từ châu Âu, được đưa đến nghĩa địa
này, theo Telegraph.
Khi Lara 1 đến, một đội quân các tay thợ cắt dùng đèn
oxyacetylene sẽ phân nhỏ con tàu 42.000 tấn ra làm nhiều mảnh. Trong
tuần đầu tiên, các chất thải độc hại sẽ được bơm ra ngoài, các phần của
thân tàu và vỏ tàu sẽ được tháo ra và quá trình tái sử dụng bắt đầu. Nào
là dây diện, thép, nào là động cơ, cánh quạt, rồi thì xuồng cứu sinh,
bồn chậu, toilet, thậm chí các bóng đèn và những con ốc vít của Lara 1
sẽ được đưa ra thị trường Bangladesh. Chúng sẽ biến thành vật liệu xây
dựng, những tấm thép và đồ gia dụng trong nhà. Các tấm thép lớn thì được
đem đóng thuyền hoặc phà.
"Mỗi mảnh của con tàu đều được tái sử dụng, mua đi bán
lại. Chẳng có gì bỏ phí cả", Hefazatur Rahman, Chủ tịch tập đoàn
Mostafa, hãng đã bỏ 20 triệu USD để mua xác tàu Lara 1, nói. Ông này có
thể kiếm 10 triệu USD tiền lãi nếu giá thép lên, và cũng có thể lỗ nếu
giá xuống như từng xảy ra năm 2008.
Giới chức Bangladesh không cho các phóng viên ghi hình bên trong những xưởng phá tàu. Vì thế các phóng viên của BBC
đã phải thuê thuyền để tiếp cận từ phía biển. Lý do của sự cấm đoán
này, theo các nhà hoạt động xã hội địa phương, là do họ không muốn những
em nhỏ làm việc trong ngành nguy hiểm này lộ diện.
Cho dù chưa có thống kê chính thức, nhưng các tổ chức
giám sát dân sự ở Chittagong cho hay, trong 10 năm qua, có đến hàng trăm
người đã chết hoặc bị nhiễm độc do làm việc phá tàu. Hầu hết các nhân
công ngành này là lớp người cực nghèo.
Dù biết nguy hiểm nhưng người ta vẫn lao vào làm, bởi
biết rằng một người bỏ việc thì sẽ có 10 người đang xếp hàng chờ vào,
Muhammed Shahin, một thành viên tổ chức Young Power in Social Action cho
biết.
"Các vụ nổ do khí gas còn sót lại, khói độc từ các bể
chứa là nguyên nhân chính dẫn đến thương vong trong các xưởng. Các tai
nạn khác xảy ra do công nhân bị rơi ngã từ trên cao - họ không có thiết
bị bảo hộ; hoặc do các thanh thép, tấm thép lớn rơi vào đầu; hoặc bị
điện giật", ông nói thêm.
Một trong những nghĩa địa tàu thủy lớn nhất thế giới tại Bangladesh. Ảnh: BBC |
Vùng biển thuộc thành phố Chittagong, Bangladesh là một trong những nghĩa địa tàu lớn nhất trên thế giới. |
Mỗi năm có 250 tàu hết thời, chủ yếu là từ châu Âu, được đưa đến nghĩa địa này. |
Nghĩa địa là nơi tập trung đủ mọi loại tàu thủy, từ các tàu chở quặng, tàu container, tàu chở dầu hay du thuyền đủ loại đủ cỡ. |
Tất cả các tàu đều sẽ được phá tung ra tại phân xưởng của 140 nhà thầu. |
Cận cảnh bánh lái hoen gỉ của một con tàu. |
Nghề phá tàu là một nghề nguy hiểm. Hầu hết các nhân công ngành này là lớp người cực nghèo. |
Hàng chục công nhân đã được cho là đã bỏ mạng ở những bãi chứa tàu bỏ đi này hoặc bị nhiễm độc vì công việc ở đây mỗi năm. |
Nguyên nhân khiến họ thiệt mạng là do nổ khí gas còn sót lại, do khói độc từ các bể chứa hoặc do không có thiết bị bảo hộ cũng như nhiều nguyên nhân tai nạn lao động thông thường. |
Tuy nhiên, với các ông chủ, đây lại là một ngành kinh doanh sinh lợi cao bởi tất cả bộ phận của tàu đều có thể biến thành vật liệu xây dựng, những tấm thép và đồ gia dụng trong nhà. Các tấm thép lớn thì được đem đóng thuyền hoặc phà. |
Nghĩa địa tàu cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng cho vùng biển này bởi nguồn dầu rò rỉ tàu các con tàu cũ nát. |
Mới đây Liên minh châu Âu đã ra quy định mới, theo đó
các tàu hết hạn sử dụng trước khi đưa đi nghĩa địa phải được tháo hết
các tồn dư độc hại. Tình hình đã được cải thiện đôi chút trong những năm
qua nhờ nỗ lực của các tổ chức giám sát về quyền của người lao động và
môi trường địa phương. Thế nhưng, vẫn còn "tình trạng các chủ tàu dùng
thiết bị cũ, chẳng hạn dùng dây xích hay cần cẩu cũ mà không thèm kiểm
tra độ bền của chúng. Những vụ cháy nổ, ngộ độc, tai nạn do bị thép rơi
trúng, vẫn còn rất nhiều", Shahin cho biết.
Ngay bên cạnh con thuyền mà các phóng viên thuê để
quan sát nghĩa địa tàu thủy, những mảng dầu loang đen sì đang trôi nổi
bập bềnh trên sóng. Chúng sẽ dạt vào bờ và gây ô nhiễm. "Chúng từ đâu
ra?", phóng viên hỏi. "Hiển nhiên là từ những xác tàu kia", nhà hoạt
động xã hội đáp.
Anh Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét