Australia đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống công viên hải dương lớn nhất thế giới, đồng thời sẽ giới hạn phạm vi đánh cá và hạn chế các trạm thăm dò dầu khí ngoài bờ biển.
Theo các quan chức Australia, khu vực này sẽ có diện
tích khoảng 3,1 triệu km2 và chiếm hơn một phần ba diện tích mặt biển
của đất nước. Tuyên bố trên, sau nhiều năm lên kế hoạch và thảo luận, sẽ
chính thức được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Phát
triển Bền vững Rio+20 diễn ra tuần tới tại Brazil, với sự tham dự của
Thủ tướng Australia Julia Gillard và Bộ trưởng Môi trường Tony Burke.
"Đã tới lúc thế giới phải quan tâm tới việc bảo vệ đại dương", AFP dẫn lời Bộ trưởng Môi trường Australia Burke.
"Và Australia sẽ dẫn đầu xu thế này", ông nói.
"Hệ thống công viên hải dương mới sẽ giúp bảo vệ môi
trường biển của Australia và duy trì đa dạng sinh học tại những khu vực
này."
Giới chức Australia cho hay, mạng lưới công viên hải
dương này sẽ tăng số lượng động vật được bảo tồn từ 27 lên 60, bao gồm
một số loài đang trong nguy cơ tuyệt chủng như cá voi xanh, rùa biển, cá
mập xám và bò biển.
Một con sư tử biển đang chơi đùa trong công viên hải dương Nam Australia. Ảnh: Marine Life Society of South Australia |
Bên cạnh đó, Australia cũng sẽ thiết lập một vài giới
hạn cho các công ty năng lượng, nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi
trường. Tuy nhiên, hai tập đoàn Shell và Woodside Petroleum gần đây vẫn
có được giấy phép thăm dò và tiếp tục hoạt động tại những vùng biển
ngoài khơi Tây Australia.
Đồng thời, với việc xây dựng các công viên hải dương,
hoạt động khai thác thủy hải sản cũng sẽ bị hạn chế. Giới chức Australia
cho biết chính phủ sẽ bồi thường cho các ngư dân và những doanh nghiệp
đang kinh doanh trên lĩnh vực này.
"Trong vài tháng tới, chính phủ sẽ tham khảo ý kiến
của các cơ quan quản lý và những người đang làm việc trong ngành công
nghiệp thủy hải sản để điều chỉnh, nhằm hỗ trợ các hoạt động ngư
nghiệp", ông Burke nói.
Đáp lại ý tưởng này, Quỹ Bảo tồn Australia, một mặt
hoan nghênh sáng kiến, gọi đó là "thành tựu lịch sử", mặt khác bày tỏ
mối quan ngại rằng một số khu vực vẫn đang phải hướng chịu ảnh hưởng
nặng nề tự ô nhiễm môi trường.
"Mặc dù chính phủ đã cấm việc thăm dò dầu khi trong
vùng Biển Coral, nhưng khu vực đông bắc đất nước vẫn đang phải hứng chịu
nguy cơ bị đe dọa về môi trường", giám đốc điều hành Quỹ, Don Henry,
cho hay.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ, các tổ
chức và những bên liên quan để tăng cường bảo vệ cho những khu vực chưa
nhận được sự quan tâm thích đáng", ông nói thêm.
Theo dự kiến, hệ thống công viên hải dương lớn nhất thế giới này sẽ được chính phủ Australia triển khai vào cuối năm nay.
Quỳnh Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét