Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambì, Ngài cho gọi các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, thành tựu năm pháp này, Tỷ kheo thân cận các gia đình, không được các gia đình ái mộ, thích ý, kính trọng và noi gương để tu tập. Thế nào là năm?
Vị ấy thân mật với người không thân tín, can thiệp vào việc không có
thẩm quyền, ra vào với các phần tử chống đối, nói riêng một bên tai và
xin quá nhiều.
Này các Tỷ kheo, thành tựu năm pháp này, Tỷ kheo thân cận các gia đình,
được các gia đình ái mộ, thích ý, kính trọng và noi gương để tu tập.
Thế nào là năm?
Vị ấy không thân mật với người không thân tín, không can thiệp vào việc
không có thẩm quyền, không ra vào với các phần tử chống đối, không nói
riêng một bên tai và không xin quá nhiều.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Andhakavinda, phần Đi đến các gia đình, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.529)
LỜI BÀN:
Trong bốn chúng đệ tử Phật,
hàng cư sĩ có vai trò và vị trí quan trọng. Ngoài việc nương tựa chúng
Tăng để tu học, những nam nữ cư sĩ còn đảm trách sứ mạng hộ pháp. Vì
thế, hàng cư sĩ áo trắng còn được gọi là những Cận sự của Tam bảo. Trong
quan niệm của người Phật tử thì “Tăng đáo như Phật
lai”, chư Tăng đến nhà như Phật đến. Thật vinh dự và hạnh phúc cho gia
chủ khi lời thỉnh cầu thọ trai hoặc pháp sự được chư Tăng chấp nhận hay
vì một duyên sự nào đó mà chư Tăng hiện hữu trong gia đình.
Đối với Tỷ kheo, vị xuất gia cầu giải thoát khi thân cận hàng Phật
tử tựu trung không ngoài Phật sự, bi nguyện độ sanh. Vị Tỷ kheo đối với
tín đồ phải là người thầy, bậc mô phạm để Phật tử quy ngưỡng, kính trọng
và noi gương tu tập. Tuy nhiên, không phải vị Tỷ kheo nào khi thân cận
với Phật tử cũng để lại ấn tượng tốt đẹp. Thảng hoặc đây đó trong hàng
ngũ xuất thế, một vài Tỷ kheo sau khi tiếp cận với tín đồ không đem lại
tịnh tín cho họ. Không chỉ không được các gia đình ái mộ, thích ý, kính
trọng và noi gương để tu tập thậm chí còn làm suy giảm, thối thất niềm
tin nơi Tam bảo.
Theo kinh nghiệm của Thế Tôn, nếu không phải vì hoá duyên thì nên
tránh xa những nơi ồn náo, tụ lạc. Khi có duyên sự phải đến nhà cư sĩ
thì phải tránh năm điều: không thân mật với người không thân tín, không
can thiệp vào việc không có thẩm quyền, không ra vào với các phần tử
chống đối, không nói riêng một bên tai và không xin quá nhiều. Gặp đúng
người, nói đúng việc, giữ vững uy nghi khi vào tư gia của Phật tử là
điều bắt buộc đối với một vị Tỷ kheo. Đặc biệt là không nên vận động hay
quyên góp quá nhiều, dù rằng việc làm này đem đến phước báo cho người
Phật tử nhưng sẽ tốt hơn nên để họ phát tâm, tự lượng sức để ủng hộ,
cúng dường mà không làm suy kiệt hoặc ảnh hưởng đến kinh tế.
Lân mẫn, thân cận để trợ duyên cho Phật tử tu học đồng thời giữ
vững phong thái của một bậc thầy là trách nhiệm của vị Tỷ kheo. Hướng về
giải thoát, làm đạo sư của trời người, vị Tỷ kheo phải tinh chuyên để
hoàn thiện mình, xứng đáng làm nơi nương tựa cho hàng Phật tử quy
ngưỡng, noi gương tu học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét