Tối nay 16/6, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Du khách trong và ngoài nước sẽ được chiêm ngưỡng về công trình kiến trúc đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Thành nhà Hồ, còn được gọi là Thành Tây Đô, Thành Tây Giai, Thành An Tôn, thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, là kinh đô của nước Đại Việt - vương triều Trần từ năm (1389 - 1400) và kinh đô của nước Đại Ngu - vương triều Hồ từ năm (1400 - 1407).
Cổng Nam.
Cuối thế kỷ XIV, nhận thấy vùng đất phủ Vĩnh xưa là nơi có địa hình hiểm, hợp với việc xây dựng kinh đô, tháng giêng năm Đinh Sửu (1397), Hồ Quý Ly sai Thượng thư lại bộ kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh về Yên Tôn khảo sát thực địa, đo đạc, đắp thành đào hào, lập nhà tôn miếu, xây đàn thờ thần, mở phố xá.
Địa điểm xây thành được chọn lựa trên một vùng đất bằng phẳng nằm giữa hai con sông lớn là sông Mã và sông Bưởi, vị trí này còn được bao bọc bởi tứ phía núi non hiểm trở thuận lợi cho việc phòng thủ. Nhà Hồ đã bắt tay vào xây dựng thành. Thành được xây dựng bao gồm Thành nội, La thành, Đàn tế trên khu đất rộng tới 155,6ha nay thuộc huyện Vĩnh Lộc.
Cổng Bắc.
Ngoài diện tích rộng 155,6ha nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt, Di sản Thành nhà Hồ còn được bao bọc bởi vùng đệm rộng 5.078,5ha trải dài trên địa bàn 8 xã, thị trấn thuộc huyện Vĩnh Lộc. Điều này cho thấy công tác bảo tồn tính nguyên khiết di sản là việc làm cần được các cấp ngành từ địa phương đến trung ương đặc biệt quan tâm.
Thành nhà Hồ là Trung tâm kinh thành của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV, Trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Qua nhiều lần tiến hành khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dưới lòng đất trong khu vực nội thành vẫn còn lưu giữ dấu vết của nhiều công trình quan trọng khác như: Điện Hoàng Nguyên, cung Phù Cực, Tây Thái miếu...
Cách thành chính khoảng 2km, Hồ Hán Thương cho lập đàn tế Nam Giao vào năm 1402 để phục vụ lễ tế trời đến nay được khai quật hoàn chỉnh cho thấy khu đàn còn khá nguyên vẹn.
Khu đàn tế Nam giao.
Giếng ngự duyên ở khu vực Đàn Nam giao.
Có được niềm tự hào của một Di sản mang tầm vóc thế giới phải kể nỗ lực của chính quyền tỉnh Thanh Hóa cũng như Uỷ ban UNESCO Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chí khoa học hết sức khắt khe do tổ chức này đề ra, đặc biệt là chứng minh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Trên thực tế, thử thách thực sự đối với hồ sơ di sản Thành nhà Hồ xuất hiện khi tổ chức tư vấn độc lập ICOMOS đưa ra khuyến nghị không công nhận và đề nghị Việt Nam xây dựng lại hồ sơ để trình lên trong các năm tiếp theo.
Song với sự quyết tâm cao, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp cùng UB quốc gia UNESCO Việt Nam thành lập nhóm phụ trách nội dung với mục đích xây dựng lập luận khoa học, đưa ra các cam kết có tính thuyết phục cao với các thành viên thuộc Tổ chức UNESCO thế giới. Và cuối cùng đã thuyết phục được Uỷ ban Di sản thế giới về giá trị nổi bật toàn cầu của Thành nhà Hồ.
Tiến sĩ Khảo cổ học Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết: “Thành nhà Hồ là sự biểu hiện vật chất nổi bật về sự hòa hợp của các nền văn hóa trong quá khứ, phản ánh sự trao đổi quan trọng các giá trị của văn hóa Phương Đông, đặc biệt là Nho giáo thực hành. Kiến trúc thể hiện tư tưởng vương quyền theo kiểu Đông Á và ý chỉ cải cách theo xu thế thời đại; khai thác các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, kết hợp và sáng tạo một cách tài tình tri thức xây dựng truyền thống Đông Á, Đông Nam Á và của dân tộc Việt Nam trong việc quy hoạch không gian và thiết kế các yếu tố kiên trúc của một kinh thành quân chủ tập quyền vào cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XV”.
Cổng Đông.
Cổng Tây.
Ông Vương Văn Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết:
“Tỉnh Thanh Hóa đang cố gắng nỗ lực để phát huy những giá trị của Di sản
văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh hơn nữa công
tác bảo tồn, bảo vệ di sản theo pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế;
nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên tại khu vực
này và vùng phụ cận. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tiến hành
khai quật khảo cổ học ở khu vực đàn tế Nam Giao, cổng nam Thành nhà Hồ,
khu vực công trường khai thác đá An Tôn... Hiện nay, không chỉ bảo tồn
những giá trị nổi bật toàn cầu mà cần phát huy những giá trị của di sản,
quảng bá hình ảnh điểm đến với bạn bè và du khách trong và ngoài nước”.
Tối nay, 16/6, tại huyện Vĩnh Lộc sẽ diễn ra Lễ đón bằng công nhận bằng Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.
Duy Tuyên - Hoàng Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét