Nghĩa Huyền Thiền Sư
Thích Duy Lực dịch từ Hán Văn sang Việt Văn
Từ Ân Thiền Đường Hoa Kỳ Xuất Bản Năm 1993 Phật lịch 2536
Thích Duy Lực dịch từ Hán Văn sang Việt Văn
Từ Ân Thiền Đường Hoa Kỳ Xuất Bản Năm 1993 Phật lịch 2536
---O0O---
Lời Dịch Giả
Bản tiếng Việt Lâm Tế Ngữ Lục này được
trích từ quyển thứ 14 của Chỉ Nguyệt Lục và tập thứ 47 của Bộ Đại Tạng
Kinh. Lý do là phần có trong Chỉ Nguyệt Lục không thấy in trong bộ Đại
Tạng; Ngược lại, phần in trong bộ Đại Tạng lại không có trong Chỉ Nguyệt
Lục, nên chúng tôi dịch cả hai cho đầy đủ. Ngữ Lục là bạch thoại đời xưa, thời bấy giờ ghi theo tiếng nói của chư Tổ, một số chỉ có âm mà không có chữ, những tiếng này không có trong tự điển ngày nay, nên dịch ngữ lục khó hơn dịch kinh, vả lại, ý của chư Tổ không phải ở nơi lời nói. Cũng như hỏi : "Thế nào là Phật ? đáp : ba cân mè", "Thế nào là ý của Tổ Sư từ Tây Trúc đến ? đáp : cây bách trước sân". vân...vân...
Chúng tôi dịch thẳng theo lời của chư Tổ. Người đọc nếu ngay đó ngộ liền là rất tốt, nếu không ngộ được tức nhiên phải không hiểu. Do sự không hiểu, sẽ phát khởi "Nghi Tình". Nếu giữ mãi nghi tình, sau này sẽ được ngộ. Không nên tự ý giải thích để tự bít cửa ngộ của mình. Cho nên Lục Tổ nói :
"Nay ta gượng nói ra,
Khiến ngươi bỏ tà kiến
Chớ hiểu theo lời nói
Mới cho biết ít phần"
Tức là ý này vậy. Khiến ngươi bỏ tà kiến
Chớ hiểu theo lời nói
Mới cho biết ít phần"
(Viết tại Garden Grove, Hoa Kỳ, mùa Xuân 1993) Thích Duy Lực
Sư hiệu là Nghĩa Huyền Hình, quê quán ở Nam Hoa Tào Châu. Thuở bé, Sư đã có chí lớn xuất gia, sau khi xuống tóc và thọ giới cụ túc, Sư liền ham mộ thiền tông.
Trong thiền hội Hoàng Bá, sư là người có hạnh nghiệp thuần nhứt.
Một hôm ngài Mộc Châu, một vị Thiền Sư đã kiến tánh triệt để, là Thủ Tọa Thiền Hội gặp Lâm Tế hỏi:
-- Thượng tọa ở đây được bao lâu ?
Sư đáp: "Ba năm".
Mộc Châu nói: "Từng đi tham hỏi Hòa Thượng chưa ?"
Sư đáp: "Chưa từng tham hỏi vì chẳng biết hỏi cái gì ?"
Mộc Châu nói: "Sao không đi hỏi Hòa Thượng Thiền Chủ, thế nào là đại ý đích xác Phật pháp?".
Sư liền đi hỏi, chưa dứt lời thì bị Hoàng Bá đánh. Sư trở về gặp Mộc Châu, Châu hỏi việc hỏi pháp thế nào ?
Sư nói: "Tôi hỏi chưa dứt lời liền bị Hòa thượng đánh và đuổi ra, tôi không hiểu gì hết".
Châu nói: "Đi hỏi lần nữa đi!"
Sư lại đi hỏi nữa, vẫn bị Hoàng Bá đánh đập như trước. Cứ như thế ba lần hỏi, bị ba lần đánh.
Sư bạch với Mộc Châu: "Nhờ lòng từ bi khuyên bảo của Thầy dạy, tôi đến tham hỏi Phật Pháp với Hòa Thượng, ba lần hỏi ba lần bị đánh, tôi tự nghĩ, vì chướng duyên ngăn ngại, nên không lãnh hội được ý chỉ thâm sâu. Nay xin từ giã ra đi".
Mộc Châu nói: "Nếu quyết định muốn đi, ngươi nên giã từ Hòa Thượng rồi hãy đi".
Sư lễ bái rồi trở về tăng phòng.
Mộc Châu đến gặp Hòa Thượng ngay và thưa: "Thượng tọa hỏi pháp kia, tuy hãy còn trẻ nhưng rất kỳ đặc, nếu y đến từ giã, xin Hòa Thượng dùng phương tiện tiếp y, sau này y sẽ thành một cây đại thọ che mát người trong thiên hạ".
Sư đến từ giã Hoàng Bá, Hoàng Bá hỏi: "Đi đâu ?"
Sư trả lời: "Chưa quyết định"
Hoàng Bá bảo: "Chẳng cần đi chỗ nào khác, cứ đến thẳng Cao An Than gặp Thiền Sư Đại Ngu, ông ấy sẽ vì ngươi mà thuyết pháp".
Sư đến gặp Đại Ngu, Ngu Thiền sư hỏi: "Từ đâu đến ?"
Sư thưa: "Từ nơi Hoàng Bá đến".
-- Hoàng Bá có lời gì dạy bảo ? Đại Ngu hỏi
-- Con ba lần hỏi đại ý Phật pháp, ba lần bị đánh, chẳng biết con có lỗi hay không có lỗi?.
-- Hoàng Bá có lòng từ bi thắm thiết như thế đối với ngươi mà ngươi còn đến đây hỏi có lỗi hay không lỗi.
Ngay câu nói ấy, Sư hoát nhiên đại ngộ, rồi thưa: "Phật pháp của Hoàng Bá vốn chẳng có nhiều".
Đại Ngu nắm chặt Lâm Tế rồi nói: "Con quỷ đái dầm, ngươi vừa mới nói có lỗi hay không lỗi, giờ lại nói Phật pháp của Hoàng Bá không có nhiều. Ngươi thấy lý lẽ gì nói mau ! Nói mau !"
Sư liền thoi vào hông Đại Ngu ba cái. Đại Ngu xô Sư ra, nói: "Thầy ngươi là Hoàng Bá, chẳng dính dáng gì đến việc của ta".
Sư từ giã Đại Ngu trở về Hoàng Bá.
Hoàng Bá thấy Sư về, liền hỏi: "Thằng này đi đi về về tới chừng nào mới thôi ?"
Sư thưa: "Chỉ vì lòng từ bi thắm thiết của Hòa Thượng." Sư đảnh lễ rồi đứng hầu một bên.
Hoàng Bá hỏi: "Vừa mới từ đâu về đây ?"
-- Hôm trước, thừa ý chỉ của Hòa Thượng đến tham hỏi Đại Ngu, rồi trở về đây.
-- Đại Ngu có lời dạy gì ?
Sư bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện khi gặp Đại Ngu.
-- Lão hán Đại Ngu sao nhiều chuyện thế, sau này ta sẽ đánh cho một trận.
-- Nói gì sau này, đánh ngay bây giờ. Sư bèn tát Hoàng Bá một tát.
Hoàng Bá nói: "Thằng điên khùng này dám đến đây vuốt râu cọp".
Sư liền hét lớn. Hoàng Bá gọi: "Thị giả, dẫn thằng điên khùng này về tham đường!".
LỜI BÌNH PHẨM
Sau
này, Qui Sơn kể công án này hỏi Ngưỡng Sơn: Lâm Tế lúc ấy ngộ được là
nhờ sức của Đại Ngu hay là được sức của Hoàng Bá. Ngưỡng Sơn nói: chẳng
những cỡi đầu hổ, cũng biết nắm đuôi hổ. *****
Một hôm, Hoàng Bá phổ thỉnh (Phổ là phổ
biến, thỉnh là mời, nghĩa là, mời tất cả tăng chúng cùng nhau đi làm
công tác chùa) Sư đi theo sau, Hoàng Bá quay lại thấy Sư đi tay không
bèn hỏi : "Cây cuốc đâu ?" Sư thưa: "Có người đem đi rồi".
Bá nói: "Qua đây, ta bàn với ngươi việc này".
Sư lại gần, Hoàng Bá dựng đứng cây cuốc bảo: "Chỉ một cái này, tất cả mọi người trong thiên hạ đều nhấc lên không nổi".
Sư bèn giựt lấy cây cuốc, đưa lên nói: "Tại sao bây giờ ở trong tay ta".
Hoàng Bá nói: "Hôm nay đã có người thay ta phổ thỉnh rồi". Liền trở về chùa.
*****
Sư đang cuốc đất, thấy Hoàng Bá đến bèn ngưng cuốc, đứng thẳng. Hoàng Bá hỏi: "Ông mệt phải không ?"
Sư thưa: "Cây cuốc còn chưa nhấc lên, mệt nỗi gì ?"
Hoàng Bá liền đánh, Sư chụp cây gậy của Hoàng Bá xô ngã Hoàng Bá.
Bá gọi: "Duy Na, Duy Na đỡ ta dậy!".
Duy Na chạy lại đỡ Bá dậy rồi nói: "Sao Hòa Thượng tha cho thằng điên khùng vô lễ như thế". Hoàng Bá vừa đứng dậy, liền đánh Duy Na. Sư vừa cuốc đất vừa nói: "Ở chỗ khác thì hỏa táng, còn ở đây người ta chôn sống".
*****
Một hôm, Sư đương ngồi phía trước Tăng
đường, thấy Hoàng Bá đến, liền nhắm mắt lại. Hoàng Bá làm bộ sợ hãi,
liền trở về phương trượng, Sư theo đến phương trượng lễ tạ. Thủ tọa đứng
hầu ở đó, Hoàng Bá bảo Thủ tọa: "Tăng này tuy còn trẻ nhưng lại biết có
việc này". Thủ tọa thưa: "Lão Hòa Thượng này gót chân chưa chấm đất lại ấn chứng cho thằng trẻ này".
Hoàng Bá tự vả miệng mình một cái. Thủ tọa nói: "Biết thì được".
*****
Sư đang nằm ngủ trong Tăng đường, Hoàng Bá
vào thấy, lấy gậy gõ vào đầu giường một tiếng. Sư ngó mặt lên thấy là
Hoàng Bá, liền nhắm mắt ngủ tiếp. Hoàng Bá lại gõ lần nữa rồi đi lên nhà
trên gặp Thủ tọa đang ngồi thiền. Hoàng Bá bảo thủ tọa: "Nhà dưới ông
trẻ kia đang ngồi thiền ông ở đây vọng tưởng làm gì ?" Thủ tọa nói: "Lão hán này làm gì vậy ?"
Hoàng Bá lại gõ đầu giường một cái, rồi đi ra.
LỜI BÌNH PHẨM Qui Sơn kể việc này hỏi Ngưỡng Sơn: Y ٠của Hoàng Bá là thế nào ? Ngưỡng Sơn nói: Lưỡng thái nhất tái (Hai do một mà có).
Một hôm, Sư đang trồng cây tùng, Hoàng Bá hỏi: "Trong núi sâu trồng nhiều cây tùng để làm gì ?"
Sư thưa: "Một là làm cảnh trang trí cho sơn môn, hai là làm tiêu biểu cho người đời sau". Nói xong, Sư trở đầu cuốc đánh xuống đất ba cái.
Hoàng Bá bảo: "Dù như thế, Ông đã ăn ba mươi gậy của ta rồi". Sư lại dùng đầu cuốc đánh xuống đất ba cái nữa rồi cất tiếng hừ! hừ !
Hoàng Bá nói: "Thiền Tông ta đến ngươi sẽ đại hưng thịnh trên đời."
*****
Một hôm Hoàng Bá vào trong bếp hỏi: "Phạn đầu (người nấu cơm) làm cái gì ?" Phạn đầu thưa: "Lựa gạo cho Tăng chúng".
Hoàng Bá nói: "Một bữa ăn bao nhiêu ?"
-- Hai giạ rưỡi, Phạn đầu trả lời.
Hoàng Bá nói: "Có phải quá nhiều chăng ?
-- Còn sợ thiếu nữa, Phạn đầu trả lời.
Bá liền đánh Phạn đầu. Phạn đầu kể việc này với sư,
Sư nói: "Để ta đi khám xét Lão hán này cho ngươi".
Tới giờ đến hầu, Bá kể lại việc nãy,
Sư nói Phạn đầu chẳng hội được ý, xin Hòa Thượng cho một chuyển ngữ.
Hoàng Bá nói: "Ngươi cứ kể đi".
Sư nói: "Phải quá nhiều chăng ?"
Bá nói: "ngày mai sẽ cho ăn một trận".
Sư nói: "Nói gì ngày mai, hôm nay ăn liền".
Thế rồi Sư tới gần Hoàng Bá, tát Hoàng Bá một cái,
Bá nói: "Thằng điên khùng này lại vuốt râu cọp nữa".
Sư hét lớn một tiếng rồi đi ra.
LỜI BÌNH PHẨM Qui Sơn đem việc này hỏi Ngưỡng Sơn: Y ٠của hai tôn túc này là thế nào ? Ngưỡng Sơn nói: Hòa Thượng cho là thế nào ? Qui Sơn nói: Có nuôi con mới biết lòng từ bi của người cha. Ngưỡng Sơn nói: Không phải vậy!. Qui Sơn nói: Ngươi cho là thế nào ? Ngưỡng Sơn nói: Giống như tự khuyến khích trộm cắp phá gia tài.
*****
Lúc đương thời, Kỉnh Sơn có 500 chúng
nhưng lại ít người tham hỏi. Hoàng Bá cử Sư đến Kỉnh Sơn và hỏi Sư rằng:
"Ngươi đến chỗ kia sẽ làm sao ?" Sư thưa: "Đến chỗ ấy tự có phương tiện".
Khi Sư đến Kỉnh Sơn, gặp Kỉnh Sơn tại Pháp đường, Kỉnh Sơn vừa ngước đầu lên Sư liền hét lớn, Kỉnh Sơn định mở miệng nói, Sư phất tay áo đi ra.
Một vị tăng khác hỏi Kỉnh Sơn: "Ông tăng vừa rồi có lời nói gì mà hét Hòa Thượng".
Kỉnh Sơn đáp: "Ông tăng này từ Thiền Hội Hoàng Bá đến đây, ngươi muốn biết thì tự đi hỏi ông ấy đi".
Sau đó 500 chúng ở Kinh Sơn tan rã hết phân nửa.
*****
Lúc đang kiết hạ, Sư lại lên núi Hoàng Bá
gặp lúc Bá xem kinh, Sư bèn nói: "Ta tưởng ông là người, lại vốn là lão
Hòa Thượng đếm đậu đen" (Giấy trắng chữ đen). Sư ở lại mấy ngày rồi cáo
từ. Bá nói: "Ngươi phá hạ đến nay sao chẳng hết hạ rồi mới về ?".
Sư nói: "Con tạm đến lễ bái Hòa Thượng".
Hoàng Bá bèn đánh đuổi đi. Sư đi mấy dặm, nghi việc này rồi trở lại ở cho đến hết hạ mới cáo từ.
Bá hỏi: "đi đâu ?"
Sư đáp: "Chẳng phải Hà Nam thì về Hà Bắc".
Bá bèn đánh một cái, Sư nắm gậy lại, cho Hoàng Bá một bạt tai. Bá cười to, gọi: "Thị giả, đem thiền bản kỷ án của Tiên sư Bá Trượng ra đây".
Sư gọi: "Thị giả ! đem lửa lại".
Hoàng Bá bảo: "Không phải vậy, ngươi cứ đem đi, sau này ngươi sẽ dẹp sạch ngôn ngữ của mọi người trong thiên hạ" (không có ai mở miệng được hết).
*****
Sư đến Long Quang gặp Long Quang đang thượng đường, Sư bèn hỏi : "Không hiện ra kiếm bén thì làm sao chiến thắng?". Long Quang ngồi im lặng. Sư nói: "Đại thiện tri thức há chẳng có phương tiện ư !"
Long Quang nhướng mắt lên "hê!" một tiếng.
Sư dùng tay chỉ rằng: "Lão hán này hôm nay thất bại rồi".
Sư đến Tam Phong gặp Hòa Thượng Bình, Bình hỏi: "Từ đâu đến ?"
Sư đáp: "Từ Hoàng Bá đến".
Bình lại hỏi: "Hoàng Bá có dạy lời gì ?"
Sư đáp: "Con trâu vàng đêm trước bị thiêu đi, cho đến bây giờ chẳng thấy dấu tích". (Kim ngưu tạc dạ tao đồ than, trực chí như kim bất kiến tông)
Bình nói: "Gió thu thổi sáo ngọc, ai là kẻ tri âm ?" (Kim phong súy ngọc quản, na cá thị tri âm)
Sư nói: "Thấu thẳng muôn lớp cổng, chẳng dừng trong giữa đêm". (Trực thấu vạn trùng quan, bất trụ thanh tiêu nội)
Bình nói: "Lời hỏi của ông quá cao tột".
Sư lại nói: "Rồng sanh con phụng vàng, đụng bể pha lê xanh (Long sanh kim phụng tử, xung phá bích lưu ly)
Bình nói: "Hãy ngồi uống trà", rồi lại hỏi : "vừa từ đâu đến ?"
Sư thưa: "Từ Long Quang đến".
Bình hỏi: "Long Quang gần đây thế nào?"
Sư bèn ra đi.
*****
Sư đi Phụng Lâm, giữa đường gặp một bà lão già, bà già hỏi: "đi đâu vậy?" Sư nói: "đi Phụng Lâm"
Bà già nói: "Vừa gặp Phụng Lâm, không có ở nhà".
Sư hỏi: "Đi đâu vậy ?"
Bà lão liền đi.
Sư kêu bà đứng lại, bà lão ngó lại, Sư bèn đi.
Chiều đến Phụng Lâm.
Lâm hỏi: "Tôi có việc muốn hỏi thăm được chăng?"
Sư đáp: "Sao lại tự xẻ thịt làm thương tích".
Lâm nói: "Trăng biển lặng không bóng, cá lội tự làm mê". (Hải nguyệt trừng vô ảnh, du ngư độc tự mê)
Sư đáp: "Trăng biển đã không bóng, cá lội đâu thể mê". (Hải nguyệt ký vô ảnh, du ngư hà đắc mê) hay có bản ghi (Hải nguyệt nguyên vô ảnh, du ngư bổn bất mê)
Lâm nói: "xem gió biết sóng dậy, chơi thuyền thả bườm trôi". (Quán phong tri lãng khởi, ngoạn thủy dã bườm phiêu)
Sư đáp: "Một vầng trăng chiếu non sông lặng, chợt kêu một tiếng đất trời thu". (Cô thiềm độc diệu giang sơn tịnh, trừơng khiếu nhất thanh thiên địa thu)
Lâm nói: "Mặt kệ biện tài luận thiên hạ, đối cơ một câu thử nói xem". (Nhậm trương tam thốn huy thiên địa, nhất cú lâm cơ thí đạo khán)
Sư nói: "Gặp đúng kiếm khách nên trình kiếm, Chẳng phải nhà thơ chớ trình thơ". (Lộ phùng kiếm khách tu trình kiếm, bất thị thi nhân mặc hiến thi)
Phụng Lâm bèn thôi.
Sư có bài tụng rằng:
"Đại Đạo tuyệt đồng
Nhậm hướng Tây Đông
Thạch hỏa mặc cập
Điện quang võng thông"
Dịch nghĩa :
(Đại đạo tuyệt đồng
Mặc hướng Tây Đông
Đá nhoáng vẫn trễ
Điện chớp chẳng thông)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét