Nhà xưởng sản xuất của Công ty Âu Trường Thành - Ảnh: Hà An |
Một xưởng sản xuất bao bì rộng tới 1000 m2 được xây ngay dưới chân núi Tây Phương (Hà Nội) - khu vực nằm trong vành đai bảo vệ di tích cấp quốc gia này.
Người dân lo ngại sự xuất hiện của nhà xưởng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở chân núi Tây Phương, đồng thời ảnh hưởng tới không gian thanh tịnh nơi cửa Phật.
Đầu năm 2012, xưởng sản xuất này đã kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo quan sát của Thanh Niên, khu nhà xưởng của Công ty Âu Trường Thành gồm 4 dãy nhà được xây dựng kiên cố với tường xi măng và kết cấu khung thép, lợp mái tôn. Khu nhà xưởng này có một phần khá lớn diện tích ăn sâu vào chân núi Tây Phương.
Ông Phạm Anh Tuấn, cán bộ phụ trách văn hoá xã Thạch Xá, đồng thời là Trưởng ban Di tích chùa Tây Phương, cho hay: Đầu năm 2011, sau khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân, UBND xã Thạch Xá đã cử đoàn kiểm tra (bao gồm công an, cán bộ văn hoá, cán bộ địa chính) xuống hiện trường. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu phía Công ty Âu Trường Thành phải dừng ngay việc thi công nhà xưởng.
“Khi chúng tôi xuống hiện trường, nhà xưởng vẫn chưa thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đã lập biên bản đình chỉ xây dựng, yêu cầu doanh nghiệp dừng ngay việc xả núi. Sự việc sau đó cũng được UBND xã báo cáo lên huyện Thạch Thất và ban ngành chức năng cũng đã vào cuộc”, ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, phần diện tích đất mà Công ty Âu Trường Thành xây nhà xưởng thuộc phạm vi vành đai bảo vệ di tích chùa Tây Phương. Theo Luật Di sản, đây là khu vực nghiêm cấm tất cả các công trình xây dựng.
“Dưới chân núi chùa Tây Phương thuộc địa phận thôn 9 hiện có nhiều nhà dân. Nhưng các hộ này đều sinh sống ở đây từ rất lâu rồi, từ trước khi chùa Tây Phương được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1962", ông Tuấn cho biết.
Thời gian gần đây, do nhu cầu về chỗ ở, một số hộ dân đã tự ý xả núi xây nhà. Tuy nhiên chính quyền xã đã kịp thời phát hiện và nghiêm cấm.
Diện tích nhà xưởng của Công ty Âu Trường Thành rộng 1000 m2, trong đó 500 m2 là do doanh nghiệp này tự ý xả núi chùa Tây Phương mà có.
“Việc xả núi như thế sẽ dẫn tới nguy cơ lở đất, ảnh hưởng tới kết cấu núi Tây Phương, là xâm phạm vào vành đai bảo vệ di tích chùa Tây Phương”, ông Tuấn khẳng định.
Đất đang trong diện di dời
Làm việc với Thanh Niên, ông Cường Mạnh Đỏ, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Xá cho biết, khu đất trên được Công ty Âu Trường Thành mua lại từ ba hộ dân của thôn 9. Cả ba mảnh đất này đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cũng theo ông Đỏ, sở dĩ đất của ba hộ trên chưa được cấp sổ đỏ là vì phần đất này đang nằm trong diện di dời theo quy hoạch bảo vệ khu di tích chùa Tây Phương của UBND huyện Thạch Thất từ đầu những năm 2000. Nhưng sau đó kế hoạch này bị tạm dừng cho đến nay.
“Cũng có thể vì huyện chưa có kinh phí để thực hiện. Nhưng chủ trương di dời vẫn đang trong thời gian chờ triển khai. Đó là lý do vì sao các hộ dân khu vực này chưa được cấp sổ đỏ”, ông Đỏ khẳng định.
Ông Đỏ chia sẻ: Hiện nay vẫn chưa công bố chính thức về quy hoạch bảo vệ khu di tích chùa Tây Phương nên không rõ nhà xưởng của Công ty Âu Trường Thành có xâm phạm tới vành đai bảo vệ di tích chùa Tây Phương hay không.
Điều kỳ lạ là trong buổi làm việc với Thanh Niên, trong khi ông Đỏ khẳng định UBND xã Thạch Xá đã từng xuống hiện trường xây dựng nhà xưởng của Công ty Âu Trường Thành để lập biên bản đình chỉ thi công đối với công trình này, thì bà Trương Thị Phương, cán bộ địa chính xã Thạch Xá lại quả quyết: “Không có bất cứ biên bản đình chỉ nào được lập”.
Theo giải thích của bà Phương, nhà xưởng của doanh nghiệp này xây dựng là hoàn toàn hợp pháp nên xã không có biện pháp can thiệp nào hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét