Trang

++ CHÙA A DI ĐÀ KÍNH CHÚC QUÍ VỊ MỘT NGÀY AN VUI. http://chuaadida.blogspot.com nay được đưa về trang nhà chuaadida.com. KÍNH MỜI QUÍ VỊ HOAN HỶ GHÉ THĂM TRANG NHÀ chuaadida.com và chia sẽ mọi người cùng biết. Cảm Ơn " ++
++ Thật hạnh phúc cho những ai biết cho mà không hề nhớ đến, biết nhận mà không hề quên đi. -- Đừng đau khổ với những gì mình không có, hãy biết vui với những gì mình đang có trong tay. -- Giá trị đích thực của sự cho đi không nằm ở món quà lớn hay nhỏ, mà nằm ở tầm lòng của người cho. -- Có 3 cách để tự làm giầu cho mình: mỉm cười, cho đi, và tha thứ. -- Tức giận là cơn lốc xóa đi mọi sự thông minh. -- Thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. -- Phải ăn để sống chứ không phải sống để ăn. -- Một nụ cười có thể thay đổi một ngày. Một cái ôm có thể thay đổi một tuần. Một lời nói có thể thay đổi một cuộc sống. -- Đừng bao giờ cau mày hay nhăn mặt thậm chí khi bạn đang buồn. Chắc chắn sẽ có ai đó yêu bạn chỉ vì nụ cười của bạn thôi. Với thế giới, bạn chỉ là một cá nhân, nhưng với một ai đó, bạn là cả thế giới. -- Sự kiên nhẫn là sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. -- Ðừng khóc vì mọi việc đã qua, hãy cười vì mọi việc đang chờ phía trước. -- Với lòng nhân ái đôi khi vực người từ hố thẳm, Với dạ hẹp hòi đôi lúc đẩy người tận vực sâu. -- Dù xa cách mấy trùng dương Ở đâu cũng có quê hương trong lòng. -- Tiền tài biết đủ thân không nhục, Danh lợi không tham đức mới cao. -- Tiền tài rồi cũng hết, Danh lợi rồi cũng tan, Duy chỉ có lòng người, Sống mãi với thời gian. -- Có không thương ghét chẳng bận lòng, Được mất hơn thua chẳng ngóng trông, Mở rộng tâm ra lòng thanh thảng, An nhiên tự tại dạ thong dong. -- Có thành công lớn nhỏ nào, không từ kiên nhẫn mà nên++

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Phản hồi bài "Đạo tràng niệm Phật vãng sanh: Một hiện tượng mê tín dị đoan"

Ngày 10/5/2012, Báo điện tử Gia Lai online đăng bài “Đạo tràng niệm Phật vãng sanh”: Một hiện tượng mê tín dị đoan (?!) của tác giả Danh Xuân. Chúng tôi xin có vài lời phản hồi về bài viết sai sự thật của tác giả này.

Đạo Phật có nhiều Pháp môn tu như Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông…..chư Tăng tuy là xuất gia ở chùa nhưng không phải thầy nào cũng tu theo Pháp môn Tịnh Độ. Khi xưa Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng về Pháp Môn Tịnh Độ ngài đã có nói  Pháp ngài nói ra đây là “Nan tín chi Pháp” là Pháp tu khó ai tin được, ví như phương thuốc tuy đơn giản nhưng khó tin là  cứu được bệnh nguy.
Người Phật tử tại gia hiếm thấy ai tu theo Thiền, tu mật… mà Pháp tu Tịnh Độ là Pháp hạp căn cơ của chúng sanh trong thời mạt Pháp, dễ tu, dễ thành nên phần đông người trên các nước theo Phật giáo, cũng như ở Việt Nam người tu tại gia ai ai cũng thích chọn Pháp môn niệm Phật, với tinh thần tự giác và giác tha, tự độ và độ tha nên mới lập nên Ban Hộ Niệm ( có Ban được Tăng Ni đứng đầu hướng dẫn, có ban thì chưa có Thầy ).
Trong cơn khát, đã bao ngày khách bộ hành đường xa mệt mỏi trên sa mạc khô cằn, nắng cháy. May mắn thay, họ đã tìm gặp hồ nước mát lạnh trong veo, dù đang trong cơn khát cùng cực nhưng làm sao họ có thể uống hết lượng nước trong hồ ?
Cũng như thế. Pháp Phật vô biên. Trong 49 năm thuyết Pháp độ sanh, những điều Phật đã nói ra được các Đại đệ tử ngài kết tập thành Kinh , nhưng xưa nay đã có ai cho rằng: “Tôi là người  thọ hết 8 vạn 4 ngàn Pháp môn, tụng hết Tam tạng Kinh điển”  ?
Thế nên người Phật tử tại gia  trong đời mạt Pháp  một câu “ Nam Mô A Di Đà Phật , một quyển Kinh Vô Lượng Thọ” là quá đủ rồi, còn hơn những kẻ mãi chìm sâu trong sắc, tài, danh,  dục vọng trong nhà lửa mà không hay không biết.
Câu chuyện xưa kể rằng: có những vị đang cãi nhau về “phướng động”, “gió động” thì ngài Huệ Năng nghe qua đã bảo các vị kia rằng “ không phải phướng động, không phải gió động mà chính cái Tâm các ông mới động !
Người Phật tử trong Ban  Hộ Niệm, quy y và học từ Thầy Tổ, học từ Chư Tăng Ni ở chùa , thờ Phật, lạy Phật, niệm Phật A Di Đà, mặc áo tràng lam, phóng sanh, bố thí…..mà tác giả cho là khác, khác ở chỗ nào ? Phải chăng  là do sự thấy khác từ cái Tâm của tác giả Danh Xuân mà thôi !
Người Việt Nam chúng ta có truyền thống Đạo Phật lâu đời. Gia đình nào theo Đạo Phật tin và hiểu tầm quan trọng của Pháp môn Tịnh Độ nên khi nhà có người sắp lâm chung tìm mời Ban Hộ Niệm chứ không có chuyện Ban Hộ niệm đến nhà xin hộ niệm.
Cũng như các tôn giáo bạn, khi trong bổn đạo, nhà ai có hữu sự, Ban Hộ Niệm chúng tôi đến chia sẻ, giúp đỡ mà không ăn một hạt cơm, không uống ngụm nước, nếu tang gia có khó khăn thì Ban Hộ Niệm còn hùn nhau giúp đỡ hòm rương, tịnh tài góp phần hậu sự. Thế mà tác giả Danh Xuân nói là  “… mời rồi đau khổ”, xin hỏi đau khổ ở chỗ nào ?
Tác giả có cái mâu thuẫn ở câu trên “ Ban Hộ Niệm đến nhà xin hộ niệm” Câu dưới lại viết “ mời vào rồi ….đau khổ ! Thử hỏi, ai mời, ai đến xin?
Lại viết câu “Không tụng kinh mà chỉ có niệm A Di Đà”. Rồi lại mâu thuẫn câu “Chỉ có câu A Di Đà Phật và quyển Kinh Vô Lượng Thọ”. Vậy chứ tác giả Danh Xuân đã đọc và suy niệm qua Kinh Vô Lượng Thọ chưa ?
Đạo Phật không bắt buộc tín đồ mình phải đến giảng đường để học giáo lý như các Tôn giáo khác, nhưng những ngày nghỉ Phật tử tự giác  đến chùa nghe Pháp hoặc ở nhà  xem nghe đĩa giảng, Tụng Kinh và đọc sách giáo lý tại nhà.
Với lại câu “ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Trong giới Phật tử tại gia không hiếm những vị có một trình độ giáo lý uyên thâm mà chúng tôi cũng đã từng gặp. Trong giới bạn đồng tu họ chia sẻ những lời Phật dạy nghĩa lý rất thâm sâu. Ngoài ra các  Đại Đức giảng sư trong các băng đĩa đã đem đến cho Phật tử chúng tôi những lời vàng ngọc.
Thế mà tác giả nói rằng Phật tử Ban Hộ Niệm chúng tôi không biết gì về giáo lý Đạo Phật ! Không biết về giáo lý, không hiểu gì về Pháp Môn mình tu làm sao ai dám đứng ra hộ niệm ?
Đi hộ niệm cho người lâm chung xuất phát từ tâm Từ Bi mà Phật tử noi gương Đức Phật Thích Ca Mâu Ni  đem đến sự bình an cho tâm người đang hấp hối khiến họ trong phút giây trọng đại không cảm thấy cô đơn, nhắc nhở họ vừa tự lực vừa nương vào tha lực, để họ hướng về cái Thiện trong câu “Nam mô A Di Đà Phật”, còn vãng sanh hay không cũng tùy theo niềm tin và  thiết tha tâm của người lâm chung.
Người Phật tử đi hộ niệm để tận mắt chứng  kiến được sanh tử vô thường khiến cho chúng tôi  sẽ trở nên tinh tấn hơn trên bước đường tu học.
Ban Hộ Niệm chúng tôi lúc nào cũng rất cần một vị Tăng Ni đứng đầu để chứng minh, dẫn dắt, là chỗ dựa tinh thần của Phật tử , nhưng thử hỏi  có được bao nhiêu vị chấp nhận bỏ thời gian, tự túc xăng cộ, tự túc lương thực, đường xa, thức đêm thức hôm hộ niệm, chăm sóc cho người bệnh sắp lâm chung 24/24 mỗi ngày, mà không phân biệt người thân hay là người chưa từng quen biết, có khi kéo dài đến cả tháng mà vẫn vui, không đòi hỏi công cán, bạc tiền, thế thì tác giả Danh Xuân có dám làm được vậy hay không ?
Thỉnh thoảng cũng gặp trường hợp khi gia đình đạo hữu có người thân đang hấp hối, họ là người hiểu biết, có niềm tin Pháp Môn Tịnh Độ đi mời Ban Hộ Niệm về niệm Phật cho cha mẹ, người thân của mình, nhưng trong nhà cũng có người con cá biệt từ xứ xa trở về vì thiếu hiểu biết nên không cho Ban Hộ Niệm tiếp tục niệm Phật nữa, họ xem ngày giờ tẩn liệm, mời ban nhạc kèn đờn kéo đến, Ban Hộ niệm đành phải ra về, đôi khi còn bị chửi mắng mà không giận hờn, thì thử hỏi thời nay mấy ai lập hạnh tu như thế không ?
Còn nói người trong Ban Hộ Niệm bỏ ra về, phán những câu xanh rờn, khủng khiếp, thì chỉ có tác giả Danh Xuân đã tự phán ra đấy thôi.
Những lời tác giả Danh Xuân viết hoàn toàn sai sự thật. Tác giả Danh Xuân muốn chia rẽ giữa Tăng Ni và Phật tử trong  Đạo Phật như vậy để làm chi ?
Trong bài báo tác giả Danh Xuân có câu “Dùng vải che hình tượng Phật Thích Ca hoặc lật úp vào bên trong mà không tôn trọng, chỉ treo ảnh Phật Di Đà”
Cũng tùy trường hợp mà Phật tử niệm đúng vị Phật, vị Bồ Tát đó. Bởi mỗi vị Phật, Bồ Tát thị hiện trên cõi Ta Bà này có hạnh nguyện khác nhau. Chúng ta niệm tưởng “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” trong những buổi công phu tại chùa hoặc tại nhà khi tinh thần  chúng ta vui tươi, an lạc nhớ tưởng ngài vì ngài đã khai sáng Đạo Phật để dẫn dắt Phật tử chúng ta từ bờ mê qua bến giác, nhớ tưởng Ngài, vì Ngài đã cho Phật tử chúng ta biết pháp tu niệm Phật như ngày hôm nay.
Phật Thích Ca Mâu Ni là vị tổ chức hộ niệm đầu tiên cách đây trên 2.556 năm, khi Tịnh Phạn Vương  trong giờ phút lâm chung, sau khi ngài khai thị Vua cha thanh thản ra đi trong tiếng niệm Phật A Di Đà của chư Tăng trong thời đó.
Vậy tác giả Danh Xuân đã có đọc sự kiện  này trong Kinh Phật chưa ?
- Khi chúng ta mang bệnh khổ thì niệm “ Nam mô Dược Sư Phật”
- Khi gặp hoạn nạn, chúng ta niệm “ Nam Mô Cứu khổ cứu nan Quán Thế Âm Bồ Tát”
- Khi cầu siêu Tổ Tiên, cha mẹ, người thân quá cố, thì niệm: “ Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương   Bồ Tát”
Phật dạy: “Sinh tử trọng đại”  Sống chết là việc lớn của đời người.
Bản  thân chúng ta, cũng như người thân sắp sửa lâm chung, phải niệm Phật A Di Đà. Bởi điều thứ  18 và 19 trong 48 Đại thệ nguyện của ngài “ Khi lâm chung người đó niệm đủ 10 câu “A Di Đà Phật”, Ta và Thánh Chúng không đến tiếp dẫn người ấy về Tây phương cực lạc ta thề không thành chánh giác”
Người Phật tử chúng tôi quy y Phật mà không tin lời Phật nói, không thực hành theo Phật dạy, không niệm Phật, vậy tin ai và làm theo ai bây giờ ? Vì thế nên người tu Pháp môn Tịnh Đô ai ai cũng phải niệm Phật A Di Đà trong đời thường cũng như trong giờ phút lâm chung.
Đã trải qua 2556 năm  Pháp môn Tịnh Độ đã có từ khi Phật thuyết các kinh: kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Niệm Phật Ba-la-mật, và các kinh khác như Kinh Hoa Nghiêm…..
Pháp môn Tịnh Độ là Pháp môn gần gũi và ăn sâu vào tâm trí với chư Tăng Ni xuất gia và hàng Phật tử tại gia. Thế mà xem bài báo của  tác giả Danh Xuân bảo là xa lạ với truyền thống tu tập của người Việt Nam ?
Phật tử chúng ta đọc qua bài  viết của tác giả Danh Xuân đã có nhận xét tác giả này chưa am  hiểu về Đạo Phật, chưa am hiểu về Pháp Môn niệm Phật.
Phật Thích Ca Mâu Ni là đấng Đạo sư khai sáng Đạo Phật, đem sự giác ngộ đến cho tất cả chúng sinh, cho Phật tử chúng ta biết về Pháp môn Tịnh Độ, vậy mà người Phật tử nào lại lấy vải che lấp hay xoay ngược hình Phật Thích Ca Đấng Giáo Chủ, Đấng Đạo Sư của mình mà tác giả Danh Xuân lại đi nói như thế?
Phật dạy: Chúng sinh  đã vô lượng kiếp, từng trôi lăn trong 6 nẻo luân hồi đã chịu biết bao là đau khổ. Giờ phút cận tử nghiệp rất quan trọng cho người sắp lâm chung, một ý niệm không tốt sẽ đưa thần thức người quá cố vào Tam đồ ác đạo. Thế nên khi cận tử nghiệp đến mà tai nghe tiếng niệm Phật,  mắt thấy hình tượng Phật, tâm khởi niệm Phật chắc chắn thần thức người ấy sẽ tái sanh về cõi lành.
Vô lượng danh hiệu Phật, niệm Phật nào cũng được, nhưng chính kim khẩu của Phật Thích Ca Mâu Ni đã khuyên chúng sanh nên niệm Phật A Di Đà, vì Phật A Di Đà đã Phát ra 48 lời đại thệ nguyện cứu độ chúng sanh nào đến giờ phút lâm chung niệm đủ 10 câu Phật hiệu A Di Đà thì ngài sẽ đến tiếp dẫn chúng sanh đó vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc , thế nên người lâm chung cùng gia đình và  Phật tử Ban Hộ Niệm trong giờ phút quan trọng đó luôn hướng về Phật A Di Đà. Là lẽ đương nhiên.
Theo lời các Tổ dạy, sau khi người trút hơi thở cuối cùng, thần thức chưa rời khỏi thân xác cho đến 8 tiếng đồng hồ, trong 8 tiếng đồng hồ vẫn còn cảm nhận sự đau đớn của thể xác, nên chúng ta  không được chạm vào thân họ, đồng thời gia đình và  người Hộ Niệm luôn niệm “Nam Mô A Di đà Phật”.
Trải qua 8 tiếng đồng hồ sau thời hộ niệm, kiểm tra thoại tướng nếu thể hiện đúng theo lời Phật, lời Tổ dạy như hơi ấm tụ lại ở ngực, ở trán, ở trên đỉnh đầu, thì Phật tử chúng tôi tin tưởng người quá vãng sẽ tái sanh về nơi cõi lành, sở dĩ có chuyện vỗ tay vui mừng là vì thành quả qua thời gian đêm hôm cực khổ của mọi người đã thành tựu.( việc này trái với người đời, bởi Đạo Phật là Đạo ngược dòng đời )
Vậy mà tác giả lại viết là Ban Hộ Niệm niệm 12 đến 24 tiếng đồng hồ, chứng tỏ tác giả là người thiếu am hiểu  về Pháp môn Tịnh Độ.
Sau ngàn năm Phật nhập diệt, con người vẫn luôn tham đắm  ngũ dục, mắt thích xem màu sắc đỏ xanh, tai mê nghe ca xang đàn sáo trong những đám  hát tuồng, vì thế mà không biết tu tập. Các Tổ trong Đạo Phật từ đó mới chế ra những Pháp khí như Tang, Đẩu, Trống, Đàn…dùng những câu Kinh bài  Kệ với chất giọng trống mái, cao thanh hay trầm bỗng trong nghi lễ thay cho tiếng hát, tiếng ca như thế mới dụ được những con người sơ cơ kia về với Phật Pháp.
Còn trong lúc người đang cơn hấp hối giữa sự sống và cái chết, nếu đem Kinh ra tụng, hay dùng đến Pháp khí ca kệ thì ai còn tâm trí đâu mà nghe, duy chỉ có một câu “Nam Mô A Di Đà Phật” để hướng cho người chết đến cõi lành là lẽ đương nhiên.
Trong bối cảnh thế lực ngoại đạo luôn tìm cách tiếp cận mọi người dân Việt Nam để dụ dỗ cải đạo xa rời truyền thống thờ kính Tổ Tiên, hoặc  đi đến chỗ làm trái Pháp luật, chống phá nhà nước, thì người Phật tử trong Ban  Hộ Niệm chúng tôi luôn tu học Phật, sống thực hành Bát chánh đạo, hiểu và làm theo lời Phật dạy, chỉ thờ Phật, niệm Phật, báo hiếu Tổ Tiên cha mẹ,  không đến chỗ cô cậu lên đồng lên bóng , không đốt vàng mã, không xem ngày giờ …( Chánh kiến ). Thế mà tác giả Danh Xuân nói là “Đạo tràng niệm Phật vãng sanh” là “một hiện tượng mê tín dị đoan”?
Người Phật tử trong Ban Hộ Niệm chúng tôi:
- Luôn suy nghĩ chân chính trong câu Phật hiệu A Di Đà (Chánh Tư duy )
- Luôn làm những điều thập thiện nghiệp, tránh những điều bất thiện: không sát sanh , không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu (Chính nghiệp)
- Ngoài giờ đi hộ niệm, đến chùa hoặc ở nhà miệng luôn niệm câu Nam mô A Di Đà Phật, nói lời từ ái, không nói lời ác khẩu ( Chánh ngữ ).
- Trong tư tưởng luôn có câu Nam mô A Di Đà Phật ( Chánh niệm)
- Câu Nam mô A Di Đà Phật luôn ra vào theo từng hơi thở ( Chánh định)
- Là những người luôn bỏ điều ác làm điều lành, như phóng sanh (bảo vệ môi trường), tự túc lương thực đi hộ niệm giúp người lâm chung mà không đòi hỏi gì (Chánh mệnh)
- Đi hộ niệm luôn nhận thức được đời là sinh tử vô thường nên luôn tinh tấn, siêng năng tu hành để cầu mong giải thoát (Chánh tinh tấn).
- Là những người đang thực hành tu theo Tứ diệu đế của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Vì đã nhận thức đời là Bể Khổ ( Khổ đế), bởi ta cùng chúng sinh nhiều đời nhiều kiếp đã lỡ gây ra cái Nhân không lành (Tập đế), nay Phật tử Ban Hộ Niệm chúng tôi quy y Tam Bảo ngoài việc giữ gìn 5 giới cấm, Phật tử Ban Hộ Niệm còn  phóng sanh, bố thí, nói lời từ ái, xa rời chốn ăn chơi, đàn đúm, cờ bạc, rượu chè, sắc dục (Diệt đế), thực hành lời dạy của  Phật Thích Ca Mâu Ni bỏ ác làm lành, hộ niệm, niệm Phật A Di Đà để cầu Đạo giải thoát ( Đạo đế )
Nếu như ai ai cũng bỏ ác làm lành, ai ai cũng sống yêu thương chúng sanh, biết giúp người mà không đòi hỏi công sức, sống đúng với chính sách, luật Pháp nhà nước, tốt đời đẹp đạo như Phật tử trong Ban Hộ Niệm chúng tôi thì xã hội làm gì có kẻ tham lam, cướp của giết người. Phật tử tham gia Ban Hộ Niệm  noi gương Đức Phật sống Vô ngã vị tha như thế rất đáng khích lệ, tại sao không ?
Nam mô A Di Đà Phật!
Kính bạch Chư Tôn giáo phẩm, chư Đại Đức Tăng Ni!
Tuy nhiên dù ở lĩnh vực nào cũng có những điều thiếu sót, thì Ban Hộ niệm chúng con cũng thế. Chúng con bấy  lâu bởi không cầu được Thầy  chứng minh, hướng dẫn nên mới tự lập nên Ban Hộ Niệm, và có sự cố xảy ra giữa Giáo Hội và Phật tử Ban Hộ Niệm Gia Lai chúng con. Chúng con dù ở bối cảnh nào vẫn luôn là những người con của Tam Bảo.
Kính mong Chư Tôn giáo phẩm, các vị Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam nên có hướng chủ trương đưa các Phật tử Ban Hộ niệm Gia Lai chúng con đi vào thống nhất, hòa nhập Đạo Tràng các Tự Viện hầu đem lại niềm vui cho Đạo Pháp.
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát- Ma-ha-tát.
Trở lại  bài viết của Danh Xuân, ai cũng thấy rõ tác giả chưa am hiểu gì về Đạo Phật, lại muốn chia rẽ giữa Tăng Ni và Phật tử, đi ngược lại tinh thần Đạo Pháp Dân Tộc.
Qua đây tôi mong Phật tử khi đọc bài viết của tác giả Danh Xuân trên báo điện tử Gia Lai online, phải tỏ rõ chánh kiến vì đang đi vào thời kỳ mạt pháp,  mọi sự  phá hoại ngăn trở người tầm đạo giải thoát, thì kính mong chư vị Tăng Ni  và Phật tử nên đoàn kết lại.
Và chúng tôi cũng khuyên những người tương tự như tác giả Danh Xuân, xin đừng vì chủ kiến, và sự chưa  thông hiểu Phật pháp, chưa thông hiểu về Pháp tu Tịnh Độ,  đem bài viết của  mình bài xích  như vậy mà gây chia rẽ Tăng đoàn, chia rẽ phật tử  tín đồ với nhau, chia rẻ Đạo Pháp và dân tộc.
Đạo Phật là Đạo Từ Bi, Đạo Trí Tuệ. Phật không ban phước lành mà cũng không giáng họa cho ai, nhưng tự ta hành  thiện hay bất thiện nghiệp  bằng lời nói, bằng ngòi bút thì quy luật tự nhiên của  nhân quả thiện ác tự đến với ta.
Cũng như vào bàn tiệc có nhiều món ăn, trong cơn đói, ăn món nào cũng đem lại cái no, thì món nào hạp khẩu vị người đó, thì họ có quyền chọn ăn món mình thích.Đạo Phật cũng thế, có nhiều Pháp môn tu, ai hạp Pháp Môn nào thì họ chọn Pháp Môn đó.
Thế nên khi đặt ngòi bút viết lên những gì về Phật Pháp để cho mọi người xem cũng nên xét lại ta đã có được chút kiến thức gì về Pháp môn đó chưa ?
Xin đừng đem chút thế gian trí thiển cận mà phỉ báng, bài xích, chia rẽ người trong Đạo Phật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét