Ngày 26/6, Trung Quốc đã cử 4 tàu hải giám đi từ thành phố duyên hải Tam Á ra Biển Đông trong khuôn khổ hoạt động tuần tra định kỳ. Hành động này của Trung Quốc càng làm gia tăng căng thẳng tại vùng biển có nhiều tranh chấp chủ quyền nhất hiện nay.
Theo một quan chức Trung Quốc yêu cầu giấu tên, nhóm tàu trên dự định thực hiện hải trình 4.500 km trong đợt tuần tra này.
“Các tàu
hải giám sẽ tuần tra một vòng trên Biển Đông và thực hiện các cuộc diễn
tập theo đội hình nếu điều kiện thời tiết cho phép”, quan chức trên cho
biết.
Từ năm
2006, Cơ quan Hải giám Trung Quốc (CMS) thường xuyên tiến hành các cuộc
tuần tra định kỳ trên Biển Đông. Đây là cơ quan trực thuộc Cục Đại dương
Nhà nước Trung Quốc, chịu trách nhiệm tuần tra, giám sát biển và ngăn
ngừa các hoạt động phá hủy môi trường biển.
Tuy
nhiên trên thực tế, các hoạt động tuần tra của CMS chủ yếu nhằm mục đích
thể hiện chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển không thuộc chủ
quyền của Trung Quốc, nên luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các
nước trong khu vực.
Vài
năm trở lại đây, Trung Quốc thường xuyên cử các tàu hải giám tuần tra
định kỳ trên Biển Đông, bất chấp phản đối của các nước trong khu vực.
Không
chỉ thế, trong thời gian gần đây, nước này còn liên tục có các hành
động gây hấn với các nước trong khu vực, đặc biệt là Philippines và Nhật
Bản, về các hòn đảo tranh chấp.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 26/6, Trung Quốc một lần nữa yêu cầu Nhật Bản không leo thang căng thẳng quanh quần đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku. “Nhật Bản không nên làm gia tăng căng thẳng trong vấn đề đảo Điếu Ngư, mà cần phải biết bảo vệ lợi ích tổng thể trong quan hệ song phương”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh.
Ông Hồng Lỗi đưa ra phát biểu trên nhằm phản đối chuyến thăm sắp tới của một nhóm nghị sĩ Nhật Bản tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo một số nguồn tin không chính thức, hiện có 8 nghị sĩ Nhật Bản đang lên kế hoạch tới thăm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 2/7. Chuyến thăm này được cho là có liên quan đến kế hoạch của chính quyền Tokyo mua lại 4 hòn đảo chính thuộc quần đảo Senkaku từ các chủ sở hữu tư nhân.
“Bất cứ hành động đơn phương nào của Nhật Bản đối với khu vực này cũng đều bị coi là trái phép và không có hiệu lực”, ông Hồng Lỗi nhấn mạnh sau khi tái khẳng định quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc từ thời cổ đại.
Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối chính thức tới phía Nhật Bản, yêu cầu Tokyo phải chấm dứt ngay mọi hành động có thể gây phức tạp thêm tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước.
Hiện phía Nhật Bản chưa có phản hồi chính thức về vấn đề này.
Đức Vũ
Theo Xinhua
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét