Bộ Quốc phòng Australia từng soạn kế hoạch chi tiết ứng phó cuộc chiến có thể xảy ra giữa nước này, Mỹ với Trung Quốc.
Thông tin trên được biên tập viên nổi tiếng David Uren của báo The Australian
tiết lộ trong cuốn sách The Kingdom and the Quarry: China, Australia,
Fear and Greed (tạm dịch: Trung Quốc, Australia, nỗi sợ và lòng tham).
Ban đầu, đây là kế hoạch nằm trong sách trắng quốc phòng của Australia
năm 2009 nhưng cuối cùng bị rút ra trước khi sách trắng được công bố.
Bằng quan hệ với các quan chức cấp cao của Canberra, tác giả Uren có
trong tay tài liệu đó để đưa vào cuốn sách vừa xuất bản. Chính phủ
Australia chưa có phản ứng về những tiết lộ của ông Uren.
Tàu khu trục lớp Anzac của Australia.
|
Truyền thông Australia dẫn nội dung sách cho hay, ngay
từ năm 2009, các chiến lược gia thuộc Bộ Quốc phòng nước này rất lo ngại
sự trỗi dậy về quân sự và các hành động cứng rắn của Trung Quốc. Dù cho
rằng nguy cơ chiến tranh là rất thấp, họ vẫn vẽ ra viễn cảnh đụng độ
trên không và trên biển tại châu Á - Thái Bình Dương và vai trò của
Australia với tư cách đồng minh của Mỹ. Giới quan sát nhận định, những
tiên đoán trên đến nay càng bộc lộ tính thời sự khi Bắc Kinh liên tục có
động thái gây quan ngại, Washington tuyên bố ý định tăng cường hiện
diện trong khu vực còn căng thẳng trên các vùng biển dâng cao.
Đánh chặn và kiểm soát đường biển
Nhật “phải chặn cửa Trung Quốc”
Thị trưởng thủ
đô Tokyo của Nhật Bản là Shintaro Ishihara vừa tuyên bố kế hoạch mua 3
hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc
là nhằm “chặn cửa” nước này. AFP dẫn lời ông Ishihara lập luận
rằng, tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với Senkaku/Điếu Ngư nằm trong
chiến lược kiểm soát toàn bộ Thái Bình Dương.
Ngay sau đó,
phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân lên tiếng chỉ trích
phát biểu của ông Ishihara là “vô trách nhiệm”. Lâu nay, Thị trưởng
Ishihara thường gây tranh cãi bằng những tuyên bố mạnh mẽ nhằm vào Trung
Quốc, đặc biệt là về Senkaku/Điếu Ngư. Hồi cuối tháng 4, ông khởi động
chiến dịch gây quỹ để mua 3 hòn đảo nói trên, vốn đang thuộc sở hữu của
một doanh nhân Nhật. Tính đến ngày 1/6, số tiền quyên góp đã lên tới
12,8 triệu USD, theo hãng tin Jiji Press.
|
Theo kế hoạch, trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến,
Australia sẽ hỗ trợ đồng minh Mỹ bằng cách dùng tàu ngầm và máy bay ngăn
chặn Trung Quốc từ xa, kiểm soát các tuyến đường biển và cắt đứt nguồn
cung nhiên liệu cho Bắc Kinh. Theo đó, giới quan sát cho rằng, Australia
có thể phong tỏa khu vực eo biển Malacca và biển Đông vì Trung Quốc chủ
yếu nhập dầu qua đường này. Đáp lại, Trung Quốc sẽ trực tiếp tấn công
các hải cảng của Australia cũng như tìm cách phá hủy trạm thu thập thông
tin tình báo Australia - Mỹ gần thị trấn Alice Springs ở bắc Australia,
vốn rất quan trọng cho các chiến dịch quân sự của Mỹ ở châu Á, ông Uren
viết.
Điều đáng nói là kế hoạch chi tiết trên không xuất hiện
trong sách trắng quốc phòng năm 2009. Thay vào đó, sách trắng chỉ đề
cập ngắn gọn về nguy cơ đụng độ trong tương lai với một “đối thủ lớn
trong khu vực”. Điều này được cho là nhằm tránh làm tổn hại quan hệ với
Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại lớn của Australia.
Tuy nhiên, sách trắng vẫn nêu rõ quan ngại về sự trỗi
dậy của Trung Quốc và cảnh báo: “Tốc độ, phạm vi và cấu trúc hiện đại
hóa quân đội của Trung Quốc có thể khiến các nước láng giềng quan ngại
nếu không được giải thích minh bạch”.
Mặt khác, theo thư tín ngoại giao Mỹ do WikiLeaks tung
ra, Thủ tướng Australia khi đó Kevin Rudd điều ông Mike Pezzullo, người
chấp bút sách trắng, mang bản thảo đến Bắc Kinh để thăm dò phản ứng của
Trung Quốc. Trong các cuộc thảo luận, giới chức Trung Quốc yêu cầu gỡ
toàn bộ những phần đề cập đến quân sự của nước này trong sách trắng
nhưng ông Pezzulo từ chối. Cũng theo tài liệu của WikiLeaks, trong một
lần hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ông Rudd từng nói
Australia và Mỹ cần “sẵn sàng dùng vũ lực” với Trung Quốc.
Tăng cường khí tài
Sách trắng quốc phòng 2009 của Australia vạch kế hoạch
chiến lược cho 2 thập niên tới mang tên Force 2030 và cảnh báo rằng
chiến tranh có thể sẽ xảy ra ở châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn này.
Để ứng phó, Canberra sẽ chi 70 tỉ USD để tăng cường sức mạnh cho các lực
lượng tới năm 2030. Theo AFP, quân đội Australia sẽ thay 6 tàu ngầm lớp
Collins hiện nay bằng 12 tàu mới với nhiều tính năng vượt trội như tầm
hoạt động lớn hơn cũng như có khả năng tác chiến đa nhiệm. Tàu ngầm lớp
Collins hiện nay dài 78 m, có 6 ống phóng ngư lôi, được trang bị hệ
thống dò tìm - định vị bằng siêu âm và radar tiên tiến.
Ngoài tàu ngầm mới, hải quân Australia sẽ nhận 3 tàu
khu trục mang tên lửa chống máy bay tầm xa SM-6 và 8 tàu có khả năng
mang trực thăng chiến đấu và máy bay không người lái để thay các tàu lớp
Anzac hiện nay. Trong khi đó, không quân Australia sẽ nhận 100 chiến
đấu cơ tối tân F-35 để thay phi đội F/A-18, 5 máy bay tiếp liệu trên
không và máy bay do thám, cảnh báo trên không.
Ủng hộ Mỹ tăng cường hiện diện tại Thái Bình Dương
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng
Australia Stephen Smith ngày 3/6 cho biết nước này ủng hộ kế hoạch tăng
cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Nhưng ông Smith cũng nói thêm rằng điều này sẽ không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc.
Được biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta vừa
thông báo tại Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Singapore rằng
Mỹ sẽ tập trung tăng cường quân sự mạnh tại khu vực này đến năm 2020.
Đây là một phần trong chiến lược quân sự mới của Washington.
Phát biểu sau khi trở về từ Singapore, Bộ trưởng Smith
nhận định quân đội Mỹ có mặt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được
xem như “một lực lượng gìn giữ hòa bình, ổn định và thịnh vượng kể từ
sau Thế chiến thứ II”.
“Điều quan trọng là không có phần nào trong kế hoạch
này mang ý nghĩa bành trướng hay đe dọa. Toàn bộ kế hoạch nhằm mục tiêu
gìn giữ sự ổn định và duy trì hòa bình, cũng như sự thịnh vượng của khu
vực”, AFP dẫn lời ông Smith.
Australia ủng hộ kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á.
|
Trong bài diễn văn tại diễn đàn, Bộ trưởng Leon Panetta
nhấn mạnh rằng quyết định điều động thêm tàu đến châu Á - Thái Bình
Dương cùng kế hoạch mở rộng quan hệ quân sự với các nước tại đây là một
phần trong nỗ lực làm đậm vai trò của Washington tại khu vực vốn được
xem là có ảnh hưởng tối quan trọng đối với tương lai nước Mỹ.
Động thái này thể hiện sự quan ngại của Washington
trước sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông
Panetta khẳng định chiến lược mới không nhằm để đối đầu với Bắc Kinh,
theo AFP.
Được biết, dự kiến sẽ có 2.500 lính thủy quân lục chiến
Mỹ được điều động đến khu vực phía bắc nước Australia và điều này khiến
Trung Quốc lo ngại. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen
Smith cho hay, trong chuyến viếng thăm Trung Quốc trong tuần này, ông sẽ
nói rõ ý định muốn thắt chặt quan hệ hợp tác của Canberra với Bắc Kinh.
Nguy cơ bùng nổ xung đột ở châu Á
Trong khi đó, ngoài một số tín hiệu lạc quan, Diễn đàn
an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore cũng chỉ ra nhiều mối lo
cho an ninh khu vực.
Kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ ở Thái Bình
Dương không gây quá nhiều quan ngại về viễn cảnh gia tăng mâu thuẫn
giữa nước này và Trung Quốc, sau những giải thích của người đứng đầu Lầu
Năm Góc Leon Panetta tại hội nghị. Đại biểu Trung Quốc đã nói: “Chúng
tôi hoan nghênh việc Mỹ đóng một vai trò giữ gìn hòa bình và ổn định
trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Trong khi đó, Hoàng thân
Norodom Sirivudh, Chủ tịch Viện Hòa bình và hợp tác Campuchia, nhìn
nhận: “Tôi cho rằng chúng ta được động viên trước quan hệ hòa bình giữa
Trung Quốc và Mỹ”. Cũng tại diễn đàn thường niên mang tên Đối thoại
Shangri-La (SLD) này, Myanmar khẳng định đã từ bỏ việc “nghiên cứu mang
tính học thuật” về sức mạnh hạt nhân do chính quyền quân sự trước đây
tiến hành.
Nhiều bên liên tục bày tỏ quan ngại về quân sự Trung Quốc.
|
Dù vậy, trong 3 ngày thảo luận (1 - 3/6), quan chức
quốc phòng, chuyên gia quân sự và ngoại giao từ 28 quốc gia cũng đã chỉ
ra nhiều nguy cơ có thể gây bất ổn cho khu vực. Nổi bật hơn cả là nguy
cơ tấn công mạng và xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự thiếu lành mạnh
ở một số quốc gia.
Phương thức “tấn công phủ đầu” bằng cách dùng vi rút
máy tính đánh sập các hệ thống kinh tế, an ninh đang khiến nhiều nước lo
ngại. Sự kiện mới nhất là cáo buộc Mỹ dùng mã độc tấn công chương trình
hạt nhân của Iran. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi còn
quan ngại các tổ chức và cá nhân lợi dụng phương thức tấn công này để
chống lại chính phủ. Vì vậy, ông kêu gọi ASEAN hợp tác nguồn lực để
chuẩn bị đối phó nguy cơ các cuộc tấn công phức tạp hơn, có thể làm tê
liệt cả hệ thống công nghệ thông tin một quốc gia.
Việc gia tăng ngân sách và chi tiêu quốc phòng trong
thời gian gần đây ở một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, cũng khiến
nhiều bên “nhíu mày”. Bắc Kinh loan báo gia tăng ngân sách quốc phòng
lên đến 106 tỉ USD cho năm 2012, tăng hơn 11%. Nhưng nhiều chuyên gia
quân sự vẫn tỏ ra nghi ngờ con số này. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain
nói: “Trung Quốc cần minh bạch hơn về số tiền họ thực sự chi tiêu, vào
việc gì, và mục đích là gì”. Trong khi đó, hai nước láng giềng và đang
có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc là Ấn Độ và Nhật Bản tỏ ra quan
ngại sâu sắc. “Việc gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là
thiếu minh bạch và vì thế nó là một nguy cơ”, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật
Bản Shu Watanabe nói. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K.Antony phát
biểu: “Mặc dù không tin rằng đang có một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng
vì Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự và tăng chi tiêu quốc phòng,
nên theo cách của chúng tôi, để bảo vệ lợi ích quốc gia, chúng tôi cũng
buộc phải tăng cường năng lực của mình ở vùng biên giới”.
Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí
Vịnh cũng cho rằng đây là những dấu hiệu đáng quan ngại. Trao đổi với
Thanh Niên bên lề hội nghị, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói khi các
nước đều gia tăng năng lực quân sự thì nguy cơ bùng nổ xung đột sẽ cao
hơn.
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét