Huyền Quang (1254- 1334), tên
gốc là Lý Đạo Tái, người làng Vạn Ty, Gia Định (nay là Gia Bình, Bắc
Ninh). Khoa Giáp Tuất 1274, ngài đỗ Trạng nguyên khoa thi Tam giáo.
Cách đây chừng năm mươi năm, hồi đó tôi còn là một học sinh lớp 6 cấp II (bằng lớp 8 bây giờ), tôi có đến Thái Bảo (nay thuộc Gia Bình, Bắc Ninh) - quê hương của Lý Trạng nguyên.
Dạo ấy, bọn tôi dời trường đi làm công tác xã hội, tôi vác loa sắt lên ven đê, đầu chợ của làng gọi loa, vận động bà con đi học bình dân học vụ. Nhân lúc nghỉ, hỏi thăm cái làng Vạn Ty - Vạn Tải sinh ra Lý Đạo Tái - Huyền Quang, một bà chỉ tôi: Ở làng kia. Tôi nhìn phía ấy, ngoài đê, xa tít, chỉ thấy mấy chỏm tre nhô lên mặt nước, mênh mông...
Nay, trở lại, chợ xưa vẫn còn, xưa lều mái rạ, giờ mái tôn mái ngói. Xe máy phóng lên mặt đê, hỏi ra, đền thờ Huyền Quang ngay trong chùa Đại Bi, trong ký ức ít ra phải vài cây số mới tới.
Nay, chùa Đại Bi ngay trước mặt, chỉ phải đi chừng… nửa cây số. Thì ra nhầm, cứ tưởng Vạn Ty và Vạn Tải liền nhau. Bây giờ mới vỡ lẽ, Vạn Ty là đây, một thôn thuộc xã Thái Bảo, còn Vạn Tải là thôn ở đằng xa, thuộc xã Vạn Ninh, chỗ mấy chỏm tre ngoi giữ nước ngày xưa. Huyền Quang ở Vạn Ty, ngay chùa Đại Bi này.
Nhưng chùa Đại Bi mùa đó xung quanh ngập nước, có biết cũng đâu dễ đến.
Sao chùa lại có tên Đại Bi? Bi, bi thương, nỗi đau buồn lớn chăng? Nếu chùa này bên Lệ Chi Viên, cách Vạn Ty dăm cây số thì cái tên Đại Bi hợp lý hơn chăng? Tôi cứ nghĩ lẩn mẩn.
Vào chùa, gặp ông coi chùa có vẻ cán bộ xã. Ông coi chùa nói, nhà sư về Hà Nội tu nghiệp đã hai năm, ông - tên là Nguyễn Bá Môn, được các cụ Ban kiến thiết cử ra đây coi chùa, hương nến. Ông Môn pha một ấm trà. Tâm sự. Ông Môn từng là lính vượt Trường Sơn, chiến đấu ở khu B, khu C, từng làm Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch xã Thái Bảo…
Ông mở cửa chùa, mở cửa đền thờ Lý Trạng nguyên thắp hương. Chúng tôi bái lạy anh linh ngài. Đến lúc ra sân phía cửa đền, chúng tôi thấy có một tấm bia lớn. Trên bia có mấy đại tự: ĐỆ TAM TỔ LÝ TRẠNG NGUYÊN HÀNH TRẠNG. Đến lúc này, tôi mới vỡ lẽ: ĐẠI BI là tấm bia lớn.
Tượng Thiền sư Huyền Quang
Ba chữ ĐỆ TAM TỔ thì nhiều sử sách đã ghi:Thân phụ của Huyền Quang là Lý Quang Dụ, có công đánh giặc Chiêm sang quấy nhiễu, được triều Trần bổ làm quan. Ông không nhận, chỉ ham thích văn chương chữ nghĩa, dạy dỗ con cháu. Ba mươi tư tuổi, thân mẫu Huyền Quang mới sinh ra ngài.
Tư chất, từ nhỏ ngài đã rất thông tuệ. Sau khi đỗ Trạng, ngài được bổ làm ở Hàn Lâm viện, soạn thảo văn thư và làm việc bang giao. Mỗi lần ngài giao tiếp, các sứ giả Tầu, Chiêm đều nể trọng.
Tương truyền, thuở hàn vi, ngài đi hỏi vợ mấy đám đều bị từ chối. Đến khi ngài đỗ Trạng, có đến hàng trăm quan lại muốn gả con gái cho ngài. Ngay cả vua Trần, cũng muốn gả cháu gái là công chúa Liễu Nữ cho ngài. Chuyện vậy, nên dân gian có câu: Lúc khó thì chẳng ai nhìn/ Đến khi đỗ Trạng tám nghìn nhân duyên! Song thật kỳ lạ, ngài không lấy ai.
Năm ngài 50 tuổi, chưa vợ, lần ấy về chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) nghe Thiền sư Pháp Loa thuyết giáo, ngài bỗng thấy mình như được tắm trong hào quang của mười phương chư Phật, bèn xin vua cho xuất gia, do khẩn khoản, vua chấp thuận. Năm 1306, Huyền Quang được làm thị giả cho Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông - Đệ Nhất Tổ.
Trần Nhân Tông đã giao cho ông soạn một số sách về Phật học: Chư phẩm kinh, Thích khoa giáo… , lại trao cho việc khảo đính sách Tam tổ thực lục. Điều ngự Giác hoàng từng khen ngài: "Sách do Huyền Quang biên soạn không thể thêm một chữ, không thể bớt một chữ".
Ngài tu ở Hoa Yên - Yên Tử chừng 20 năm, trong đó có 16 năm làm Trưởng sơn môn Yên Tử (từ khi Đệ Nhất Tổ viên tịch – 1308). Những năm tháng ở Hoa Yên, sau các buổi đọc kinh, tụng niệm, ngài thường chỉ mải mê với mai, thông , cúc, trúc, làm thơ, ngâm vịnh.
Năm 1313, dưới triều vua Anh Tông, sư Huyền Quang bị một nỗi oan. Số là Huyền Quang bị vua cho cung nữ Điểm Bích lên Yên Tử, thử xem có chân tu không? Điểm Bích về tâu: Huyền Quang đã giữ ngủ lại, ân ái, cho dật vàng.
Sau, vua cho tra xét lại, Điểm Bích đã nhận tội, vu oan cho Huyền Quang. Nhiều lần, Điểm Bích liếc mắt đưa tình, buông câu lơi lả mà Huyền Quang không hề xiêu lòng.. Nàng có được dật vàng, chi là do khéo bịa chuyện, khóc lóc. Thương tình, Huyền Quang và nhà chùa làm phúc, cứu mệnh mà thôi. Vua giáng Điểm Bích xuống làm kẻ quét rửa chùa Cảnh Linh phía sau cung điện.
Đến năm 1324, tuổi bảy mươi, lập sư khác làm Sơn môn Yên Tử thay mình, ngài về trụ trì tại chùa Thanh Mai.
Năm 1330, được Đệ Nhị Tổ tổ chức lễ truyền đăng nối dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, Huyền Quang trở thành Đệ Tam Tổ. Sau đấy là bốn năm Huyền Quang làm Giáo chủ - Quốc sư, ngài trụ trì tại chùa Tư Phúc (Côn Sơn) cho đến khi viên tịch.
Về Thiền sư Huyền Quang còn có một chuyện kỳ bí, thú vị.
Vào thời Minh (Trung Quốc), Thượng thư Hoàng Phúc sang ta, trong những lần vơ vét, hắn đã lấy được bản gia lục của Quốc sư Huyền Quang đem về phương Bắc. Về Hoàng Phúc, ta nhớ trận đánh vào tháng 10 năm 1427, Nguyễn Trãi đã thâu tóm chân dung tướng giặc ấy trong mấy câu của Đại Cáo Bình Ngô, quân ta: Đô đốc Thôi Tụ lê gối xin đầu hành/ Thượng thư Hoàng Phúc trói mình đành chịu bắt.
Xin dẫn lại một đoạn chép tay bằng chữ Hán, không biết từ đời nào, sao lại vào năm 1962: Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang sự tích thực lục- Ghi chép sự thật về sự tích Huyền Quang, vị thánh tổ thứ ba Thiền phái Trúc Lâm (Hoàng Giáp, Nguyễn Khắc Minh - Di sản Hán Nôm… Chí Linh , NXB CTQG - 2006): Hoàng Phúc đem được bản gia lục của Quốc sư Huyền Quang về Trung Quốc.
“Thế rồi những năm tháng sau đó, Hoàng Phúc luôn nằm mơ thấy gọi, đòi gửi trả về nước cho con cháu, nhưng chưa có lúc nào thuận tiện để gửi trả. Hoàng Phúc bèn cầu khấn tại ngôi chùa quê mình xin được thờ cúng Quốc sư, (sau đó) hễ cầu xin gì đều được linh ứng, nên đề tên chùa là An Nam Thiền sư Huyền Quang.
Đến năm Gia Tĩnh, Tô Xuyên hầu (Lê Quang Bí) đi sứ nhà Minh 19 năm (bị giữ) mới về nước. Cháu bốn đời của Hoàng Phúc là Hoàng Hàm Tổ bồi tiễn, lại nằm mơ thấy Quốc sư gọi đòi…”.
Nhưng mãi đến Trình Tuyền hầu (Trạng Trình- Nguyễn Bỉnh Khiêm 1491- 1586) đi sứ, nhân buổi mừng sứ giả mới lấy được gia lục đem về nước. “Sau đó, Trình Tuyền hầu có làm bài văn để biện minh cho việc này”.
Cùng với Huyền Quang thiền sư còn có một Huyền Quang thi sĩ. Ngài có tập thơ Ngọc tiên tập. Thơ ngài, Lê Quý Đôn khen: ý tinh tế cao siêu. Ngài là một đại thụ thi ca đời Trần. Ngày nay, đi đến các chùa vùng Yên Tử: Vân Tiêu, Côn Sơn, Vĩnh Nghiêm, Thanh Mai, Bổ Đà… , hàng trăm chùa, trên bệ Phật chính đều có ba pho tượng: Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông, Trúc Lâm Đệ Nhị Tổ Pháp Loa, Trúc Lâm Đệ Tam Tổ Huyền Quang.
Kỳ lạ thay, thời Lý Trần, cùng một dải đê, từ Thái Bảo về đến Đông Cứu chỉ chừng bảy tám cây số, mà có hai vị Trạng nguyên đức độ, tài danh, hương thơm muôn thuở./.
Duy Phi-duyphitho.blogspot
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét