Con năm nay 33 tuổi còn chồng
con 37 tuổi. Chúng con lập gia đình được 6 năm và hiện nay có hai cháu
gái bốn tuổi và hai tuổi. Con là một Phật tử còn chồng con là một người
Thiên Chúa Giáo. Ngày xưa khi lấy nhau, con đồng ý đi học lễ thánh và
làm lễ ở nhà thờ. Tuy nhiên, chồng con tôn trọng tôn giáo của con và
cũng thỉnh thoảng chở con đến chùa và con cũng đi đến nhà thờ. Khoảng
gần hai năm nay, chồng con không còn thiết tha và tôn trọng tôn giáo của
con.
Con cố gắng vun vén tôn trọng chồng con, giải thích khi cố gắng dạy các
con cũng biết lạy Phật, dẫn con đi chùa. Cả con và chồng cũng khá mệt
mỏi và căn thẳng khi không biết để con theo tôn giáo nào. Con cố gắng
hướng dẫn cho con nghe kinh và niệm Phật thì chồng con và gia đình chồng
phản đối ép buộc phải đi nhà thờ.
Con dù cố gắng nhưng cảm thấy mệt mỏi, không còn thiết tha và vợ chồng con hay cãi cọ với nhau. Đến niềm tin tâm linh của mình, con chỉ muốn có nơi được thờ tự hay để ảnh Phật cũng không được vì đang sống ở nhà chồng. Nếu tình trạng này xảy ra dài lâu con không biết mình có chịu nổi không. Con thấy mình cô đơn và hụt hẫn ngay trong chính căn nhà của mình. Con đã nghĩ đến việc ly dị nhưng thương các con còn nhỏ dại sợ con bị khổ vì không có cha, còn sống phải bị nhồi nhét, không ai chịu nghe con thế này con quá mệt mỏi dù con đã cố gắng vun tròn bổn phận dâu con. Xin Sư cho biết con nên làm sao để hài hòa hạnh phúc trong gia đình?
ĐÁP:
Lập gia đình với người khác đạo, hiện nay không còn là sự việc hy hữu, đồng thời theo tiền lệ xác suất giữ được hạnh phúc cũng rất cao, nhiều gia đình vợ chồng sống đến răng long đầu bạc, truyền nối cho nhau tử tôn miên viễn. Đấy là cách xử thế khéo léo của nhiều đôi vợ chồng khác đạo khi thương nhau và biết giữ gìn hạnh phúc cho nhau, không thông qua những tập quán tín ngưỡng.
Ở Việt Nam hiện nay phần đông đôi vợ chồng khác đạo, hơn bao giờ hết, thường thì người ta hay nghĩ suy đến việc: "vợ chồng là việc của nhau", việc tín ngưỡng là việc bên ngoài, hoặc cũng là một công việc mà mỗi người phải làm tròn bổn phận, thế thôi! Đôi khi họ giữ gìn, xem như là công việc chung, nên rất bảo vệ sự tín ngưỡng cho nhau: vợ nhắc chồng đến ngày đi lễ nhà thờ, chồng nhắc vợ đến ngày đi lễ chùa; hay vợ chồng cùng đi lễ nhà thờ, đồng đi lễ chùa...và con cái cũng vui lòng theo bố mẹ.
Bình thường, sống trong gia đình, người phụ nữ thông minh, tiến bộ, lịch sự là người biết cách xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương với chồng và ngược lại là phương cách hữu hiệu của một đôi vợ chồng, cần được thể hiện như trong tình huống trên. Nhất là đối với người vợ, chìu chồng còn mang ý nghĩa tích cực vì nhờ sự tùy thuận này, một người vợ khéo léo có thể làm cho người chồng hướng đến chiều hướng tích cực, vươn lên cùng với ý nghĩ của vợ. Ở đây không bàn đến chuyện vợ chồng phải chìu chuộng lẫn nhau, mà bàn đến việc làm sao lúc nào cũng bảo vệ ý tưởng đẹp (Phật, Chúa) của nhau, lời nói dễ thương không còn cáu ghét nữa, chính là để bảo vệ hạnh phúc cho nhau.
Kinh Tương Ưng đã chỉ rõ, nếu như một người phụ nữ biết khéo léo vận dụng khả năng trình độ, khả năng giới hạnh… một cách tối ưu thì sẽ tạo nên sự vui tươi trong gia đình. Với hạnh lành đó, người phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì, Kinh gọi rằng cuộc đời sẽ nằm trong tầm tay của nàng; hoặc được khẳng định mạnh mẽ hơn: mong rằng vợ sẽ được lòng người chồng. Vấn đề ở đây, Sư mong mõi các Bạn lúc nào cũng quan tâm đến việc góp phần xây đắp một gia đình hạnh phúc đúng nghĩa, cụ thể, không nghĩ đến chuyện viễn vông, hơn thua, phải quấy với bạn bè, vì bạn bè đến một lúc nào đó thì "đèn nhà ai nấy sáng rồi", ai mà giúp cho ai được, vì vậy không nên ngó bên ngoài mà so đo suy nghĩ, mà phải nghĩ đến hạnh phúc gia đình, bảo vệ hạnh phúc gia đình, cũng chính là bảo vệ tín ngưỡng của nhau. Người muốn xây đắp gia đình hạnh phúc thì vợ chồng đừng bao giờ nhìn những tật xấu của nhau, không soi bói nhau, nhường nhịn lẫn nhau... làm gì có chuyện để nói đến những chuyện khác ý tưởng (khác đạo).
Gia đình Bạn đã sống chung 6 năm rồi, không phải là thời gian dài, nhưng cũng không ngắn, có 2 con tức hạnh phúc tuyệt vời, theo Sư nghĩ không có gì phải cãi cọ phiền muộn lắm đâu, chẳng có gì phải mệt mõi hụt hẫn cô đơn hay ly dị cả, Đạo của ai nấy thờ như ngày xưa khi mới gặp nhau, vợ chồng mỗi người tôn trọng lẫn nhau, tự nghĩ thật phong phú cho các việc: là mình đang có trách nhiệm với các con, vì tương lai các con, bổn phận với ông bà cha mẹ, trách nhiệm với gia đình và xã hội. Đối với việc tín ngưỡng, vợ chồng phải nghĩ: "việc giữ đạo truyền bá phổ biến Đạo là trách nhiệm của các đấng cao cả, của quý Linh mục, quý Thượng Tọa, của nhà thờ, của nhà chùa, không phải là việc của vợ chồng...", sẽ giải bớt những căng thẳng về tín ngưỡng tôn giáo, dẫn đến hài hòa hạnh phúc gia đình.
Bạn ạ! Đạo Phật là đạo tâm, thuộc duy tâm, người Phật tử thờ đức Phật ở trong tâm hồn của mình cũng chẳng sao cả, Đức Phật ngài quý sự tín ngưỡng ở trong tâm hồn hơn, vì thế cho đến nay đã trên 26 thế kỷ rồi mà Đạo của Phật vẫn sáng tỏ không hề thay đổi nền giáo lý bất tận. Đức Jésus, Phật Thích Ca các ngài phóng khoáng và thoáng đạt lắm, không có kỳ thị lẫn nhau đâu các bạn; tuy nhiên do con người phân chia biên giới quốc gia, tranh giành kinh tế, địa vị quyền tước, công danh cá nhân, thêm vào đó là thời tiết, phương hướng, thổ nhưỡng, thời gian, không gian, biên giới, màu da, tâm sinh lý có khác, nên sự tín ngưỡng có khác, nhưng đừng bao giờ đem sự tín ngưỡng của mình áp đặt cho người khác, sai đi với ý tưởng cao đẹp của các đấng cứu thế, chỉ trừ người ấy giác ngộ.
Tín ngưỡng các đấng giáo chủ như Jésus, Phật Thích Ca bằng hình thức thờ phượng có đôi khi cũng không phù hợp trong gia đình vì gia đình không có phương tiện tối ưu. Vả lại Đức Jésus, Phật Thích Ca có chịu cho chúng ta thờ phượng không, thờ các ngài mà xung đột ý tưởng lẫn nhau, không bảo đảm hạnh phúc gia đình của nhau chắc chắn các ngài không cho phép chúng ta thờ các ngài đâu các bạn!
>>gia đình người yêu bắt tôi đổi đạo
>>Video: Tâm sự của gia đình ba đời theo đạo Chúa chuyển qua tu đạo Phật
>>Cho con hỏi về hôn nhân khác tôn giáo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét