“Tín tâm lễ Phật cúng dường
Phước duyên hội tụ mười phương vọng về”.
* * *
Một hôm, tại tu
viện Trúc Lâm, thấy chư Tăng sau giờ thiền tọa mà còn ngồi lại với nhau trong
chánh điện góp ý luận bàn, Thế Tôn bước vào, ngồi đúng vị trí của mình, khẽ
hỏi:
- Xả thiền rồi mà các thầy chưa về
phòng nghỉ, còn phiếm luận chuyện gì nữa đây?
- Kính bạch Thế Tôn, Thượng tọa
quản chúng thưa, quý huynh đệ đang ngỏ lời tôn vinh thần lực và bí quyết hóa độ
vô số chúng sanh của Đức Bổn Sư, đặc biệt là việc lo cơm ăn áo mặc, nhà ở thuốc
thang, rồi còn truyền dạy giáo pháp, ấn chứng đạo quả cho đám đệ tử xuất gia
lên đến hàng ngàn vị như thế này.
- Có gì đâu mà các thầy cho là thần
lực với bí quyết. Chỉ vì thuở xưa Ta thường tạo lập công đức, trong đó có những
việc đáng kể mà ngày nay ta được thành quả tốt đẹp như vậy.
- Công đức gì, bạch Thế Tôn?... Kể
cho chúng con nghe đi!
- Vậy thì hãy
lắng nghe, này các thầy Tỳ-kheo.
* * *
Chuyện thế này. Thuở xưa, xưa lắm,
tại Ta-ka-xi-la (Takkasila) có một đạo sĩ Bà-la-môn tên là Xam-kha (Samkha);
ông có cậu con trai khoảng mười sáu tuổi, đặt tên là Xu-xi-ma (Susima). Một
hôm, Xu-xi-ma đến gặp cha, bày tỏ ý nguyện:
- Thưa cha, con muốn đến Ba-la-nại
(Benares) học tập Thánh giáo.
- Tốt lắm, người cha hoan hỷ nói.
Vị đạo sĩ Bà-la-môn đó là bạn thân của cha; con hãy đến tham vấn kinh văn với
ngài.
- Vậy là con đã có duyên với ngôn
ngữ thánh hiền, cảm ơn cha!
Cậu hớn hở lên đường, và khi đến
Ba-la-nại, cậu diện kiến đạo sĩ Bà-la-môn và thưa rằng cha cậu đã cho phép cậu
đến thụ giáo với ngài.
Biết chàng trai là con của bạn
mình, đạo sĩ Bà-la-môn chấp nhận cậu làm môn sinh. Một hôm, thấy cậu đã hồi
phục sức khỏe sau cuộc hành trình vất vả, đạo sĩ bắt đầu dạy cho cậu đọc tụng
Thánh giáo. Và chỉ trong một thời gian ngắn, cậu đã học được rất nhiều kinh
văn, quán thông ngữ nghĩa không sót một điểm nào, giống như dầu sư tử đựng
trong một chiếc lọ bằng vàng, khó mà thất thoát mảy may. Kết quả là chẳng mấy
chốc cậu đã tiếp nhận trọn vẹn Thánh giáo từ đôi môi của thầy. Cậu trùng tuyên
kinh văn chính xác, thông hiểu nghĩa lý phần đầu, phần giữa, nhưng phần cuối
thì chưa đạt.
Cậu đến gặp đạo sĩ, thưa rằng:
- Bạch thầy, con chỉ hiểu được phần
đầu, phần giữa của kinh văn, còn phần cuối con chưa hiểu!
- Này con, thật tình mà nói, chính
thầy cũng chưa hiểu được phần cuối!
- Nhưng, bạch thầy, ai là người
quán triệt phần cuối?
- Thầy thấy tại xứ I-xi-pa-ta-na
(Isipatana) này có khá nhiều hiền sĩ thông đạt kinh văn, con hãy đến đó mà tham
vấn với các ngài.
Cậu đến gặp chư Phật Độc Giác, tác
lễ và trịnh trọng thưa:
- Kính bạch chư vị tôn giả, con có
chỗ thắc mắc, xin các Ngài giải nghi.
- Tự nhiên!... Nghi gì cứ hỏi.
- Nghe nói các Ngài hiểu được phần
giáo điển cuối cùng trong ba bộ Thánh giáo?
- Đúng thế!
- Vậy thì xin các Ngài từ bi chỉ
dạy cho con!
- Chư Phật sẽ không giảng dạy cho
bất cứ ai không là Sa-môn. Nếu muốn thông đạt phần cuối ngữ nghĩa kinh văn đó
thì cậu phải là một Sa-môn.
- Vậy là phúc lộc cho con rồi, xin
tri ân và đảnh lễ các Ngài.
Cậu xin xuất gia làm Sa-môn và được
hội nhập Tăng đoàn.
Sau đó chư Phật chỉ cho sư cách
thức và thời điểm mang mặc ba y:
Thứ nhất là y An-đà-hội (antaravasaka), còn gọi là ngũ
điều y, gồm năm mảnh vải kết lại với nhau, mặc như áo lót trong cùng; thứ hai
là y Uất-đa-la-tăng (utttarasanga), còn gọi là thất điều y, gồm bảy mảnh vải
khâu vá liên hoàn, khoác ngoài y An-đà-hội khi đi khất thực; thứ ba là y
Tăng-già-lê (sangati), còn gọi là cửu điều y hay nhị thập ngũ điều y, gồm chín
hay hai mươi lăm mảnh vải ghép lại, chỉ mặc trong những dịp lễ hội quan trọng.
Là đệ tử, sư ở lại trú xứ và được
chư Phật dưỡng dục chu đáo. Sau một thời gian ngắn, với tâm cơ linh mẫn, sư
chứng đắc đạo quả, thành Phật Độc Giác. Thanh danh của sư vang khắp thành
Ba-la-nại như vầng trăng rằm lồng lộng trên bầu trời cao, và sư cũng nhận được
nhiều lễ vật cúng dường rất sang trọng. Vì những công đức tu tập của sư chỉ
mang tính truyền cảm trong một thời gian ngắn của cuộc đời nên sư nhập Niết-bàn
sớm. Chư Phật Độc Giác và dân chúng cử hành tang lễ trà tỳ nhục thân của sư,
thâu nhặt xá-lợi và dựng tháp tôn trí ngoài cổng thành.
Một hôm, đạo sĩ Bà-la-môn Xam-kha
thầm nghĩ: “Con ta đã ra đi trong một thời gian dài; ta sẽ đi tìm hiểu thành
quả học tập của nó như thế nào.” Với lòng mong muốn gặp con, ông rời
Ta-ka-xi-la, trực chỉ đến Ba-la-nại. Vừa đến nơi, ông thấy xa xa có một đám
đông người tụ tập và thầm nghĩ: “Trong số họ chắc thế nào cũng có người biết rõ
con ta”.
Ông đến gần đám đông, tha thiết
hỏi:
- Thưa quý ngài, có một chàng thanh
niên tên là Xu-xi-ma đã đến đây khá lâu, các ngài có biết gì về tông tích của
cháu không ạ?
- Có, thưa đạo sĩ Bà-la-môn; chúng
tôi biết rất rõ về cậu thanh niên đó. Cậu ấy đã học xong ba bộ thánh giáo Vệ-đà
(Vedas) với một đạo sĩ Bà-la-môn. Cậu ấy đã giã từ thế nghiệp, xuất gia làm
Sa-môn, chứng đắc đạo quả, thành Phật Độc Giác, và đã nhập Niết-bàn. Bảo tháp
kia là nơi tôn trí xá-lợi của Đức Phật đó.
Hay tin con viên tịch, ông ngã nhào
xuống đất, đập tay than khóc, lời lẽ não nùng. Đoạn ông mếu máo đứng lên, đi
đến bảo tháp, nhiễu quanh ba vòng. Ông sụt sùi nhổ cỏ, trải cát, tưới nước, rải
hoa xung quanh bảo địa với lòng tôn kính; sau đó ông cởi áo làm cờ, lấy dù làm
lọng, cắm chúng trên một ụ đất rồi vái chào đám đông và quay đi.
Dừng lại trong giây lát, Thế Tôn
tiếp lời:
- Này các thầy Tỳ-kheo, chắc các
thầy đã hình dung ra tình tiết cốt chuyện. Lúc đó Ta chính là đạo sĩ Bà-la-môn
Xam-kha. Nhờ những việc làm đơn giản nhưng chí thành như nhổ cỏ, trải cát, tưới
nước, rải hoa xung quanh bảo tháp của Đức Phật Độc Giác Xu-xi-ma xưa kia mà
ngày nay Ta có được những kết quả thù thắng như vậy đó. Cho nên, đừng luyến
tiếc thời gian trong khi làm việc thiện, hay thấy việc thiện nhỏ mà xem thường.
Những việc dung dị như quét chùa, đơm bông, chưng trái, pha trà, dọn cơm, rửa
chén, đặt bàn trai phạn, đứng quạt hầu thầy, nấu ăn cho đại chúng v.v…, nếu tất
cả được làm với tâm thanh tịnh cúng dường thì công đức bất khả tư nghì sẽ được
hội tụ ở một thời điểm nhất định.
Cũng như xưa
kia, ông Ưu-lâu tần-loa-ca-diếp, Dà-da-ca-diếp, Na-đề-ca-diếp, tất cả đều do
kiếp trước tu sửa điện Phật nên kiếp này gặp Ta, tu hành mau thành chánh quả.
Ông Kiều-phạm-ba-đề kiếp trước mang thân trâu nước, đi tìm cỏ vòng quanh tịnh
xá, gặp Phật vui mừng, tỏ vẻ cung kính nên được thoát kiếp mục súc, nay được
làm người, theo Ta tu hành, và tất nhiên là sớm được viên thành đạo nghiệp.
A-nậu-lâu-đà cúng một ngọn đèn trước tượng Phật; Tỳ-kheo Nan-đà dùng nước chiên
đàn tắm tượng Phật, nên kiếp này cả hai có được ba mươi tướng tốt. Còn
Na-dà-ba-la lấy chút huỳnh đơn vẽ một tượng Phật, tỏ lòng cung kính và được
công đức thoát ly nghèo khổ, hưởng phước giàu sang phú quý cho đến ngày đạo quả
viên thành. Tóm lại, những ai tô vẽ, điêu khắc khuôn đúc hình tượng chư Phật và
Bồ-tát thì sẽ tiêu trừ các tội như ngũ nghịch, thập ác, lạm dụng của thường
trụ, hủy báng kinh điển Đại thừa v.v…, và nhất định sẽ được hưởng phước nhơn
thiên cho đến lúc viên thành chánh giác. Cho nên, những ai chí tâm thành kính,
dành chút thời gian làm công quả cho chùa, dù việc bé nhỏ đến đâu cũng được
công đức lớn lao và phước duyên mầu nhiệm.
Dừng lại trong
giây lát, Thế Tôn đọc kệ:
Nếu bỏ hạnh phúc nhỏ,
Để được hạnh phúc to,
Bậc trí chẳng đắn đo,
Bỏ ngay hạnh
phúc nhỏ.
(PC.
290)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét