Một thời, Tôn giả Mahàcunda trú ở Cetì, tại Sahajàti. Tại đấy, Tôn giả gọi các Tỳ kheo:
Này các hiền giả, này chư hiền, một số Tỳ kheo chuyên tâm về pháp không ưa thích các Tỳ kheo tu thiền, nói như sau: “Những người này thiền cái gì? Thiền có lợi ích gì? Thiền như thế nào?”. Các Tỳ kheo chuyên tâm về pháp không hoan hỷ và các Tỳ kheo tu Thiền cũng không hoan hỷ; hành động như vậy không đưa đến hạnh phúc và an lạc cho nhiều người; không đưa đến lợi ích, an lạc cho chư Thiên và loài người.
Ở đây, này các chư hiền, một số Tỷ kheo tu Thiền không ưa thích các Tỷ
kheo chuyên về tâm pháp, nói như sau: “Họ tháo động, thất niệm, lắm
lời… Những người này chuyên tâm về cái gì? Pháp có lợi ích gì? Chuyên
tâm về pháp như thế nào?”. Các Tỷ kheo tu Thiền không hoan hỷ và các Tỷ
kheo chuyên tâm về pháp cũng không hoan hỷ; hành động như vậy không đưa
đến hạnh phúc và an lạc cho nhiều người; không đưa đến lợi ích, an lạc
cho chư Thiên và loài người.
(ĐTKVN, Tăng chi Bộ III, phẩm Dhamika, phần Mahàcunda [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.124)
LỜI BÀN:
Trong vô lượng pháp môn tu mà Thế Tôn đã tuyên thuyết, tuy phong
phú và đa dạng nhưng đều có một điểm chung, thuần nhất, đó chính là an
lạc và giải thoát. Phương tiện thì tuỳ theo căn cơ có vô vàn sai biệt
nhưng cứu cánh Niết bàn chỉ có một, duy nhất.
Tu Thiền hay chuyên tâm về Pháp, Tông môn hoặc Giáo môn thảy đều là
phương tiện và dĩ nhiên mỗi phương tiện đều có một đặc trưng riêng. Vì
lẽ các pháp môn tu đều lưu xuất từ tuệ giác của Thế Tôn cho nên chắc
chắn sẽ đưa hành giả đến giải thoát Niết bàn, như trăm sông đều xuôi về
biển cả.
Tùy theo căn cơ, hoàn cảnh, nhân duyên… mà mỗi người con Phật tự
chọn cho mình một pháp môn tu thích hợp. Tuy các pháp môn phương tiện có
nhanh chậm, khó dễ khác nhau nhưng pháp môn nào cũng thù thắng, đều đưa
đến giải thoát và an lạc. Do đó, người tu ngoài việc nắm vững pháp môn
của mình cần tìm hiểu để biết thêm về các pháp môn khác nhằm trợ duyên
hay ít ra cũng tránh được việc chỉ trích, phê phán đồng đạo, những pháp
lữ có nhân duyên với những pháp môn tu tập khác nhau.
Vì vậy, không thể quy kết, tự cho pháp môn của mình là tối thắng.
Sự tối thắng, theo quan điểm của Thế Tôn, chính là sự thực hành trọn vẹn
theo pháp môn đã chọn. Ngày nay, thảng hoặc vẫn còn sự “xung đột” về
quan điểm tu tập giữa các tông phái (có thể vô tình hay cố ý nhằm xiển
dương tông phái của mình) là điều không nên có. Vì như lời Tôn giả
Mahàcunda đã học được từ Thế Tôn: “Hành động như vậy không đưa đến hạnh
phúc, an lạc cho nhiều người; không đưa đến lợi ích, an lạc cho chư
Thiên và loài người”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét