Hơn 60 năm trước, ni sư Đàm
Chính đã về tu nghiệp ở chùa khi còn là một thiếu nữ 17 tuổi.
Năm 1971,
khi vén một nhành cây phủ tháp Viên Tuệ, ni sư thấy một viên gạch màu
đỏ, trên đó có ghi tên và năm tịch của người trong tháp - Tỳ kheo Như
Trí (mất năm 1723). Ni sư là người đầu tiên nhìn thấy nhục thân ngồi
trong tháp, qua một khe nứt của tháp. Nhưng rồi cụ bít chặt khe nứt này
lại và giữ kín chuyện mãi đến ngày 4.3.1996, khi Hòa thượng Thích Thanh
Từ - trụ trì Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt và Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt -
Tổng thư ký Thiền viện Trúc Lâm tới thăm chùa Tiêu Sơn. Ni sư Đàm Chính
đã nhờ thiền viện giúp đỡ. Tôi gặp Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt lần đầu
tiên tại chùa Đậu (Hà Tây cũ), khi chúng tôi đang tu bổ hai nhục thân
thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Tỳ kheo đã yêu cầu chúng tôi
giúp tu bổ nhục thân thiền sư Như Trí.
Bắt đầu tu bổ
Chúng tôi đã soạn thảo dự án “Tu bổ và
bảo quản nhục thân thiền sư Như Trí ở chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh)”. Theo dự
án này, Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Ninh là cơ quan lập thiết kế và
phương án thi công, Thiền viện Trúc Lâm là đơn vị chủ đầu tư của dự án.
Tôi là chủ nhiệm dự án cùng thực hiện với họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân và
Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt - Tổng thư ký Thiền viện Trúc Lâm, người theo
sát dự án để lo kinh phí.
Ngày 5.3.2003, nhục thân thiền sư Như
Trí được đưa ra khỏi tháp. Nhục thân ngồi thiền định trong tư thế bán
già, tay kiết ấn Tam muội, nhưng vì ẩm mốc nên bị mục rớt phần cẳng tay.
Có một lỗ thủng lớn chính giữa mặt. Xương mũi và xương hàm trên thụt
vào hộp sọ. Xương màu đen còn nhìn thấy rõ bên trong hộp sọ. Vết nứt ở
tai phải từ thái dương qua trước dái tai xuống cổ và chạy sát tới đầu
xương đòn phải. Hai tay bị vỡ từ cánh tay đến hết bàn tay. Các mảnh vỡ
rơi rụng xuống nền và lẫn với đất, đá. Xương mỏng và có màu đen. Một vết
vỡ lớn khác ở giữa ống chân phải, không nhìn thấy xương. Mặc dầu tượng
bị vỡ phần tay, ống tay bị vỡ rụng xuống dưới, nhưng trên ống chân còn
dấu vết của một phần bàn tay. Phía trong mảng bồi, nhìn thấy rõ thớ vải
bằng mắt thường. Trật tự từ ngoài vào trong là: vải bồi, bó, hom, sơn
(màu ngà). Không thấy thếp vàng hay bạc. Nhục thân được sơn phủ bên
ngoài một lớp sơn ta màu ngà, mắt và lông mày vẽ bằng sơn đen. Lớp sơn
đã bị bong tróc nhiều nơi, nên có màu sắc loang lổ. Do nhục thân đặt
trong tháp bịt kín lâu ngày trong môi trường ẩm, mốc làm hỏng lớp sơn và
bong tróc. Từ các phần hỏng, thủng, hơi ẩm, côn trùng và vi sinh vật
đang xâm nhập vào phá hoại phần bên trong của nhục thân.
Do ở chùa Tiêu Sơn rất hiếm nước, khách
tham quan lại đông nên việc tu bổ, bảo quản được quyết định chuyển về
thực hiện tại chùa Duệ Khánh (xã Nội Duệ, huyện Tiên Du - Bắc Ninh).
Để diệt khuẩn ở bên ngoài và trong
tượng, phải phun thuốc diệt khuẩn và xông thuốc. Bề mặt pho tượng bị
nứt, nhiều nơi bị bong tróc lớp sơn ta. Chúng tôi xử lý ngay bề mặt pho
tượng bằng cách phủ bề mặt bằng vải màn và phủ sơn rồi rắc mạt cưa lên
sơn khi bề mặt chưa khô. Bề mặt pho tượng được gia cố dần. Khi gỡ phần
nhục thân khỏi đế, chúng tôi phát hiện đế là một tấm gốm nung màu đỏ,
mặt áp vào đáy tượng có in hình nan phên. Phía trong lớp bồi nhìn rất rõ
lớp vải màn. Từ mặt đáy, chúng tôi thấy xương sên, gót và xương mác nằm
khá đúng vị trí giải phẫu. Như vậy có thể kết luận nhục thân được bó
cốt ngay sau khi tịch, không có sắp xếp xương như nhục thân thiền sư Vũ
Khắc Trường. Để xác định giới tính, tuổi tác, tầm vóc và bệnh lý của
thiền sư Như Trí, chúng tôi đã nghiên cứu tất cả số di cốt bị rơi xuống
dưới trong khi đưa nhục thân ra khỏi tháp. Có một đốt sống ngực có chiều
cao thân thấp và không cân xứng. Điều này gợi ý cho chúng tôi về bệnh
viêm cột sống của thiền sư. Diện khớp mu còn thấy rõ để có thể định tuổi
của thiền sư khoảng 40 - 45 tuổi.
Phủ tạng còn trong bụng
Ngày 11.5.2004, tôi và họa sĩ sơn mài
Đào Ngọc Hân lật ngược nhục thân để nghiên cứu phần trong lòng và ngạc
nhiên khi phát hiện ra một khối hợp chất bằng quả bưởi nằm chính giữa
phần bụng. Tượng được phủ kín bằng sơn ta, phía dưới lại có đáy gốm, do
đó khối vật chất này từ ngoài không thể lọt vào trong ổ bụng được. Sau
khi lấy mẫu phân tích, kết quả thật bất ngờ rằng đó là các chất còn lại
của phần phủ tạng trong bụng thiền sư Như Trí.
Như vậy, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam
chúng ta phát hiện và chứng minh được có phần nội tạng trong bụng thiền
sư. Điều này có thể suy luận rằng trong bụng thiền sư Vũ Khắc Minh ở
chùa Đậu, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ) chắc cũng còn lại khối vật chất
là phần nội tạng mà qua phim X-quang không thể phát hiện được, như chúng
tôi đã đoán định từ năm 1983.
Sau khi đã tu bổ được phần thân, chúng
tôi khoét phần gáy để đưa đốt sống cổ bị rời ra ban đầu. Đến độ sâu 1,3
cm bỗng chiếc đục trên tay họa sĩ Đào Ngọc Hân bật trở lại, ánh xanh của
gỉ đồng lóe lên. Ngày 4.6.2004, Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt và chúng tôi
đã chuyển nhục thân tới Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh để chụp phim X-quang.
Chúng tôi phát hiện thấy sau khi bồi lớp
thứ nhất, người ta đã đặt một tấm đồng lớn trên lưng (chiều dài 65 cm;
rộng 15 cm) và một tấm đồng trên ngực (chiều rộng 22 cm). Phía ngoài hai
tấm đồng là lớp bồi dày trên dưới 1 cm. Trên đầu và bắp tay cũng được
cuốn những dải băng bằng đồng có các kích thước khác nhau. Vòng quanh
đầu trên hai tai là ba dải băng: một dải nhỏ 0,6 cm, hai dải lớn hơn
0,79 cm. Có ba dải băng khác từ trên đỉnh đầu dọc theo thái dương xuống
sau cằm. Ba dải băng này có một dải to: 1cm và hai dải nhỏ 0,5 cm. Nhìn
theo chuẩn sau có bốn dải băng to chiều rộng 2,13 cm, chạy từ cổ lên
đỉnh đầu luồn qua dải băng to (vuông góc với nó) gập quay trở lại xuống
cổ ở phía sau gáy. Qua phim X-quang thấy rất rõ vết gấp này. Một số dải
băng khác được cuốn quanh cổ và hai dải băng có chiều ngang nhỏ: 0,4 cm
chạy vòng từ nách vắt qua vai, từ trước ra sau.
Đây là hiện tượng đầu tiên ở Việt Nam.
Có nhiều khả năng nó giúp cho tư thế ngồi của thiền sư vươn thẳng, tránh
bị cúi gập xuống ở phần cổ, lưng và cũng có khả năng để bảo vệ hộp sọ.
Lớp bồi bên ngoài nhục thân thiền sư Như Trí dày 0,66 cm, gồm hai lớp:
lớp ngoài màu vàng nâu, lớp trong màu đen. Cả hai lớp thành phần đều gồm
vải, sơn ta và mạt cưa... Không hề có dát vàng hay bạc như tượng thiền
sư Vũ Khắc Minh. Để bảo đảm độ bền vững cho pho tượng nhục thân thiền sư
Như Trí, chúng tôi đã thếp bạc trên toàn bộ pho tượng. Chúng tôi quyết
định đổ khuôn làm một pho tượng thứ hai bằng composite đặt trong tháp
Viên Tuệ, còn pho tượng gốc đặt tại nhà Tổ.
Ngày 27.9.2004, Thiền viện Trúc Lâm đã
tổ chức lễ cầu nguyện cho thiền sư Như Trí tại chùa Duệ Khánh và làm lễ
rước nhục thân về chùa Tiêu Sơn rất trọng thể. Ngày 28.9.2004, lễ khánh
thành việc tu bổ và bảo quản nhục thân thiền sư Như Trí đã được tổ chức
tại chùa Tiêu Sơn. Thế là một dấu son nữa lại được ghi thêm vào trang sử
của ngôi chùa cổ kính này. Với riêng tôi thì có một nỗi mừng khôn tả.
Vừa mừng, vừa chờ đợi và hy vọng, vì tôi chắc rằng sẽ còn ở đâu đó,
trong những ngôi tháp cổ đang bị xuống cấp, những vị thiền sư khác đang
"chờ" chúng tôi, lại bắt tay vào một công trình tu bổ mới...
Về thân thế sự nghiệp của thiền sư Như
Trí tới nay chưa thấy sử liệu nào ghi rõ, chỉ sơ lược qua một vài tác
phẩm văn Nôm mà chúng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét