1. Theo ông Dương: “Trong lịch sử kiến trúc Phật giáo thế giới, chưa từng có kiến trúc chùa của bất cứ quốc gia nào lại dựng trên một cái cột cả. Hơn nữa, kiến trúc một cột kia lại khá nhỏ bé khiêm nhường. Và về mặt kỹ thuật cũng chưa có gì đáng phải ca ngợi khi so sánh với bất kỳ nền kiến trúc nào”.
Theo
tôi, một ngôi chùa bé nhỏ dựng lên trên một cái cột là sự sáng tạo độc
đáo của ông cha ta, nhờ đó mà nền kiến trúc Phật giáo thế giới cũng
như nghệ thuật kiến trúc Việt Nam thêm phong phú, đa dạng, sinh động và
đáng tự hào.
Kiến
trúc chùa Một Cột mang hình tượng một bông sen “Liên hoa đài” như tên
chữ Hán từ xa xưa cũng như tên gọi nôm na thân quen từ bao đời nay.
Ngày nay, chùa Một Cột cho thấy trình độ thẩm mỹ của ông cha ta thật
cao siêu, tuyệt vời, thể hiện sự lãng mạn đầy thi vị, ý tưởng táo bạo.
Theo thư tịch cổ, đặc biệt là các văn bia cổ thì quy mô chùa thời Lý
còn bề thế to rộng hơn nhiều, tiếc rằng kiến trúc đó chỉ còn miêu tả
bằng lời, nên các nhà kiến trúc đời sau khó lòng mà phục dựng theo lời
được. Kiến trúc là nghệ thuật, ngôn ngữ của kiến trúc là hình ảnh.
Những hình ảnh còn lại đến đời nay dù của thời Trần, Lê hay thời Nguyễn
cũng là quý lắm rồi.
Về
nghệ thuật kiến trúc Liên hoa đài - chùa Một Cột tuy bé nhỏ nhưng rất
đáng ca ngợi. Các cụ ta thường nói “bé hạt tiêu” với công trình này là
thỏa đáng. Tôi cho rằng, Liên hoa đài là một tác phẩm nghệ thuật hoàn
hảo về mọi phương diện như quy mô, hình thức, hình khối, tỷ lệ. Cấu trúc
gỗ hòa quyện với gạch đá mang tính khoa học, nghệ thuật cao và cũng
rất hài hòa vừa đủ để cảm nhận cái tinh túy nhất của tác phẩm kiến trúc
và điêu khắc. Nổi bật hơn cả là hệ cấu trúc gỗ, cột chống chéo đỡ hệ
trụ cột thẳng gắn kết với dầm giằng bằng mộng, ngàm tạo nên thế vững
chãi ngày một bền chắc khi tác động của trọng lực. Đồng thời gắn với
cấu trúc mái tạo nên thế bay bổng, lột tả được tinh thần lòng nhân ái
soi tỏ thế gian và ý tưởng bông sen của đạo Phật.
Là
một kiến trúc sư, nhiều lần tôi đưa khách nước ngoài là giới kiến trúc
tham quan, tôi chưa thấy ai chê chùa Một Cột bé nhỏ, không giá trị, mà
hầu như ai cũng khen đó là một sáng tạo tuyệt vời có một không hai.
Tại sao du khách chỉ chiêm ngưỡng Liên hoa đài - chùa Một Cột? Theo
tôi, là ta chưa biết cách tổ chức dây chuyền tham quan chùa Diên Hựu
một cách hợp lý, nên khi du khách thấy chùa Một Cột thì hấp dẫn quá,
tuyệt vời quá, không còn muốn xem gì ở đây nữa!
Vẻ đẹp chùa Một Cột. Ảnh: Internet
2. TS
Trần Trọng Dương đề xuất rằng: “Không nên sử dùng tên gọi “Chùa Một
Cột” nữa, mà thay vào đó là dùng khái niệm “Liên hoa đài” cho kiến trúc
một cột, và dùng lại tên “chùa Diên Hựu” cho tổng thể kiến trúc Phật
giáo này”.
Theo
tôi, như vậy là không thỏa đáng! Ông cha ta xưa đặt tên đình, chùa,
đền rất hóm hỉnh, tế nhị, cốt sao công trình đó dễ nhớ, dễ đi vào lòng
người. Theo tìm hiểu bước đầu của tôi, thì ông cha ta có 3 cách gọi tên
chùa, đình, đền:
Gọi theo tên chữ Hán như: Trấn Quốc tự, Quốc Ân tự, Thiên Mụ tự...
Gọi
theo địa danh: Chùa Mía (tên chữ Hán là Sùng Nghiêm tự) vùng đất này
xưa là Cam Giá, tên Nôm là Mía; chùa Tây Phương (Sùng Phúc tự) chùa dựng
trên núi Tây Phương; chùa Láng (Chiêu Thiền tự) xây trên đất làng
Láng; chùa Keo (Thần Quang tự) vùng đất xưa là Giao Thủy, tên Nôm là
Keo...
Gọi
theo hình ảnh tiêu biểu hoặc đặc điểm kiến trúc: Chùa Tháp (Phổ Minh
tự) - chùa có tháp Phổ Minh tiêu biểu; chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm tự) -
quần thể kiến trúc có 104 gian; chùa Một Cột (Diên Hựu tự) - trong đó
có Liên hoa đài đặt trên một cột đá cao...
Theo
phân tích trên đây thì ông cha ta gọi Diên Hựu tự là chùa Một Cột cũng
như chùa Trăm Gian, chùa Tháp không có gì sai mà phải đổi tên chùa,
cái tên đã đi sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân đất Việt?
Theo: Thể thao Văn hóa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét