Câu hỏi của mẹ xoáy vào trái tim tôi nhưng tôi chỉ biết cố gắng mỗi ngày mang lại bình yên cho mẹ.
Hiếu Hiền
Tôi còn đang ngẩn ngơ thì mẹ kể lại chuyện hồi sáng.
Hóa ra lúc mẹ đang đi chợ thì có anh thanh niên hỏi thăm đường. Ngồi
phía sau anh là một bà cụ, vóc dáng nhỏ bé, teo tóp, đang nép sau lưng
anh.
Anh hỏi thăm đường đến viện dưỡng lão và mẹ đã chỉ cho anh. Giờ thì
tôi hiểu tại sao mẹ lại hỏi tôi câu này. Xem tin thế giới, tại Mỹ rất
nhiều người già đang sống nhờ các tổ chức từ thiện chứ không phải vào
con cháu. Dường như xã hội phương Tây cũng đang nhìn ra vấn đề khi giới trẻ bây giờ coi ông, bà cha mẹ là một gánh nặng và viện dưỡng lão xem ra là nơi tốt nhất để "ném" họ vào.
Có một câu chuyện thế này: "Hai người lính nhìn thấy
một bà mẹ và mấy người con ngồi bên đường. Các người con thì đói lả
nhưng họ không có gì để lót dạ. Một người lính động lòng, mang mẩu bánh
đưa cho bà mẹ. Bà vội vã bẻ từng miếng nhỏ, chia đều cho các con nhưng
không có gì cho riêng bà. Người lính còn lại bèn hỏi bạn mình: 'Anh có
thấy lạ không, sao bà mẹ không ăn, bà ta không đói chăng?'.
Người kia trả lời: 'Không, bà ta đói lắm chứ nhưng bà
ta không giữ gì cho riêng mình vì bà là một người mẹ'". Đây không phải
chỉ là chuyện trong sách
vở mà thực tế, các bậc cha mẹ đều muốn dành cho con mình những gì tốt
đẹp nhất. Chỉ có điều, chúng ta đón nhận mọi thứ, nhớ công ơn người vào
lúc ấy rồi quên ngay sau đó.
Tôi nhớ lúc mẹ lo cho các chị, một mình mẹ "tả xung
hữu đột", chăm sóc cho chị hai rồi phải lo cho chị tư và những lúc sinh
đẻ. Số phận các chị không may khi gặp phải người chồng vô trách nhiệm.
Thế là mẹ vừa lo cho các con, lại vừa chăm nom các cháu. Đứa nào ho hen,
cảm sốt là mẹ lại tất tả chạy qua cạo gió, nấu cháo. Mẹ giận các chị
nhiều lúc tiếng nặng, tiếng nhẹ, hờn mát mẹ.
Hình như các chị đều cho rằng làm mẹ thì chuyện hy
sinh cho con cái là tất nhiên nên công lao của mẹ, các chị quên đi hết.
Đêm, mẹ khó ngủ, trằn trọc nghĩ về từng đứa, về những quyết định sai lầm
và hậu quả mà mỗi đứa đang phải gồng gánh. Nhiều lúc mẹ mệt rã rời,
cũng muốn buông xuôi hết vì một tay không thể ôm trọn bầu trời, sức mẹ
cạn rồi, làm sao có thể vực từng đứa lên.
Là đứa con út, mọi người cho rằng tôi sướng, có mẹ
cưng chiều, anh chị lo lắng. Nhưng nào phải vậy, các anh chị đôi lúc
cũng so sánh là mẹ lo cho tôi nhiều quá, cái gì tôi cũng được phần hơn.
Nhưng anh chị đậu biết rằng phần nào mẹ cũng chia đều chứ không có "con
thương, con ghét". Chính vì những sai lầm từ anh chị nên giờ đây mẹ càng
lo lắng cho tôi, càng "gò" tôi vào khuôn khổ để mong tôi không va vấp,
trắc trở. Mẹ nói vể viện dưỡng lão rồi tự nói: "Giờ con độc thân thì còn
nhớ đến mẹ, lúc có chồng thì lại như các chị, coi mẹ là gánh nặng. Thôi
thì đến lúc đó, tự mẹ sẽ đi vào viện dưỡng lão, tự mẹ...".
Tôi không biết nói gì hơn vì không muốn vỗ ngực xưng
tên, không muốn hứa những lời chắc như đinh đóng cột nhưng cột thì mục
rữa, đinh lại lung lay. Nhớ ngày nào mẹ dẫn tôi đi chợ Bến Thành bằng xe
buýt, liệu có ngày nào tôi lại dẫn mẹ đi... viện dưỡng lão trên chính
chuyến xe buýt
ấy không? Tôi không biết chuyện của ngày mai nên tôi chỉ im lặng, cố
gắng dành chút thời gian cuối tuần nhổ tóc bạc rồi xem cải lương cùng
mẹ. Tôi chỉ biết cố gắng mỗi ngày mang lại bình yên cho mẹ mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét