Trang

++ CHÙA A DI ĐÀ KÍNH CHÚC QUÍ VỊ MỘT NGÀY AN VUI. http://chuaadida.blogspot.com nay được đưa về trang nhà chuaadida.com. KÍNH MỜI QUÍ VỊ HOAN HỶ GHÉ THĂM TRANG NHÀ chuaadida.com và chia sẽ mọi người cùng biết. Cảm Ơn " ++
++ Thật hạnh phúc cho những ai biết cho mà không hề nhớ đến, biết nhận mà không hề quên đi. -- Đừng đau khổ với những gì mình không có, hãy biết vui với những gì mình đang có trong tay. -- Giá trị đích thực của sự cho đi không nằm ở món quà lớn hay nhỏ, mà nằm ở tầm lòng của người cho. -- Có 3 cách để tự làm giầu cho mình: mỉm cười, cho đi, và tha thứ. -- Tức giận là cơn lốc xóa đi mọi sự thông minh. -- Thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. -- Phải ăn để sống chứ không phải sống để ăn. -- Một nụ cười có thể thay đổi một ngày. Một cái ôm có thể thay đổi một tuần. Một lời nói có thể thay đổi một cuộc sống. -- Đừng bao giờ cau mày hay nhăn mặt thậm chí khi bạn đang buồn. Chắc chắn sẽ có ai đó yêu bạn chỉ vì nụ cười của bạn thôi. Với thế giới, bạn chỉ là một cá nhân, nhưng với một ai đó, bạn là cả thế giới. -- Sự kiên nhẫn là sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. -- Ðừng khóc vì mọi việc đã qua, hãy cười vì mọi việc đang chờ phía trước. -- Với lòng nhân ái đôi khi vực người từ hố thẳm, Với dạ hẹp hòi đôi lúc đẩy người tận vực sâu. -- Dù xa cách mấy trùng dương Ở đâu cũng có quê hương trong lòng. -- Tiền tài biết đủ thân không nhục, Danh lợi không tham đức mới cao. -- Tiền tài rồi cũng hết, Danh lợi rồi cũng tan, Duy chỉ có lòng người, Sống mãi với thời gian. -- Có không thương ghét chẳng bận lòng, Được mất hơn thua chẳng ngóng trông, Mở rộng tâm ra lòng thanh thảng, An nhiên tự tại dạ thong dong. -- Có thành công lớn nhỏ nào, không từ kiên nhẫn mà nên++

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

LÂM TẾ NGỮ LỤC (4)



LÂM TẾ NGỮ LỤC 
Nghĩa Huyền Thiền Sư Thích Duy Lực dịch từ Hán Văn sang Việt Văn Từ Ân Thiền Đường Hoa Kỳ Xuất Bản Năm 1993 Phật lịch 2536
---O0O---

        Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, nên nói như mộng huyễn, như hoa đốm trên không, cần gì phí sức nắm bắt. Thực ra chỉ có các ông là người hiện nay đang nghe pháp ngay trước mắt đây, vào lửa chẳng thiêu, vào nước chẳng chìm, vào địa ngục tam đồ như đi dạo vườn hoa, vào ngạ quỷ súc sinh mà chẳng thọ ác báo. Tại sao như thế ? Theo cái pháp không có chỗ chê này thì:
"Nếu ngươi yêu thánh ghét phàm
Chìm nổi trong biển sanh tử



Phiền não do tâm mới có
Không tâm phiền não ở đâu ?
Chẳng nhọc phân biệt lấy bỏ
Tự nhiên ngay đó đạo thành".

Các ông cứ muốn đuổi theo nhà này nhà nọ, gắng sức mà cầu học. Dẫu cho học được trong ba A-tăng-kỳ kiếp, rốt cuộc lọt vào sanh tử, chẳng bằng vô sự, hướng vào góc sàn trong tùng lâm xếp bằng mà ngồi.
*****
Các ông muốn được đúng như Pháp, cần phải có lòng tin vững chắc, chớ nên sanh tâm nghi ngờ. Bản thể của chân tâm phóng thì trùm khắp pháp giới, mà thu thì tơ hào chẳng lập, sáng tỏ chiếu soi rõ ràng chưa từng thiếu sót, mắt không thấy, tai không nghe gọi là việc gì ? người xưa nói rằng: "Nói tựa như một vật thì không đúng". Các ông hãy tự xem còn có cái gì để nói nữa. Mỗi mỗi tự dụng công phu đi! Trân trọng!
*****
Các ông nên tin rằng chỗ dụng trước mắt của các ông với Tổ, với Phật chẳng khác. Chỉ vì không tin bèn hướng ngoại tìm cầu. Chớ nên sai lầm, hướng ngoại chẳng có pháp, hướng nội cũng bất khả đắc. Các ông muốn lấy lời nói trong miệng của sơn tăng, không bằng thôi nghỉ chớ tạo nghiệp, hãy làm người vô sự đi !
Nếu niệm đã khởi chớ nên tiếp tục, nếu niệm chưa khởi đừng cho sanh khởi. Làm được như thế thì hơn đi hành cước mười năm. Đừng để bất cứ nội ngoại vật nào trói buộc, gặp chướng ngại nào cứ đạp bỏ: gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, cho đến gặp gì cũng giết cả. Đó là con đường duy nhất để đi đến giải thoát (chữ "Giết" ở đây là ám chỉ giết cái tâm chấp trước của chúng sanh, nên gặp gì giết nấy để khỏi bị tâm và cảnh dính mắc, cũng là cái nghĩa vô sở trụ vậy.).
Các ông nên biết, chỗ một niệm tâm thôi nghỉ của ông gọi là cây bồ đề. Chỗ một niệm tâm không thể thôi nghỉ gọi là cây vô minh. Vô minh chẳng có trụ xứ, vô minh chẳng có thủy chung, nếu tâm của ngươi niệm niệm thôi nghỉ chẳng được thì leo lên cây vô minh, đi vào tứ sinh lục đạo mang lông đội sừng. Nếu ngươi thôi nghỉ được, tức là thanh tịnh pháp thân. Nếu ngươi một niệm chẳng sanh thì leo lên cây bồ đề, vận thần thông trong tam giới, biến hóa thân tự tại.
Có một bọn mù trọc đầu ăn cơm no rồi ngồi thiền quán hạnh, chụp bắt niệm lậu không cho sanh khởi, tránh ồn ào, cầu tĩnh lặng ; ấy là pháp ngoại đạo. Tổ sư nói: Nếu ngươi trụ tâm khán tịnh, cử tâm ngoại chiếu, nhiếp tâm nội trừng (trong lặng), ngưng tâm nhập định ; bọn người như thế đều là tạo tác. Người hiện nay đang nghe pháp này làm sao muốn tu nó, chứng nó, trang nghiêm nó. Nó vốn chẳng phải vật để cho tu, chẳng phải vật để trang nghiêm được. Nếu bảo nó trang nghiêm ông được, thì tất cả vật đều được trang nghiêm. Sơn tăng nói hướng ngoại chẳng có pháp, học nhân không lãnh hội được bèn cho là hướng trong, rồi liền dựa vách ngồi trạm nhiên chẳng động ; chấp lấy cái này là Phật Pháp của Tổ môn, thực là sai lầm lớn. Nếu ngươi chấp lấy cảnh thanh tịnh, bất động là đúng. Vậy tức là ngươi nhận cái vô minh làm chúa tể. Người xưa nói chỗ hầm sâu đen tối mịt mù thật đáng ghê sợ là lý này vậy. Nếu ngươi nhận cái động là phải, thì tất cả cỏ cây cũng đều biết động, cũng nên gọi là đạo chăng ? Thực ra kẻ động là phong đại, bất động là địa đại. Động với bất động chẳng có tự tánh. Nếu ngươi hướng vào chổ động mà nắm bắt nó thì nó hướng vào chỗ bất động đứng. Nếu ngươi hướng vào chỗ bất động bắt nó thì nó lại hướng nơi chỗ động đứng. Ví như con cá ẩn trong suối nhảy ngược dòng.
Các Đại-đức! động với bất động là hai thứ cảnh, còn đạo nhân vô y thì động cũng dùng, bất động cũng dùng.

Dịch Từ tập 47, Đại Tạng Kinh 
Tri Phủ Vương-Thường-Thị cùng các quan trong phủ thỉnh sư thăng tòa. Sư thượng đường bảo: "Hôm nay, do sự bất đắc dĩ, Sơn tăng thuận theo nhân tình mới lên tòa này. Nếu theo dưới cửa Tổ Tông hoằng dương đại sự thực là mở miệng chẳng được, chẳng có chỗ để đứng chân. Hôm nay, do quan Thường Thị cố thỉnh, sơn tăng không dám ẩn dấu cương tông, chẳng biết có tác gia, chiến tướng nào cầm cờ xuất chiến chăng ? Nếu có thì trước mắt đại chúng để chứng cớ xem".
Tăng hỏi: "Thế nào là đại ý Phật Pháp ?"
Sư bèn hét ! Tăng lễ bái, sư nói: "Tăng này lại kham trì luận".
Tăng hỏi: "Sư tuyên nói gia khúc tông phong nào ? nối pháp vị nào ?"
Sư đáp: "Ta ở nơi Hoàng Bá ba lần hỏi Phật Pháp, ba lần bị đánh". Tăng do dự muốn nói, Sư bèn hét rồi nói rằng: "Không lẽ hướng vào hư không mà đóng đinh chăng ?"
*****
Có Tọa chủ hỏi: "Ba thừa và mười hai phần giáo há chẳng phải là Phật tánh ư ?"
Sư đáp: "Cỏ hoang chưa từng cuốc".
Tọa chủ nói: "Phật há có chê người sao ?"
Sư nói: "Phật ở chỗ nào ?"
Tọa chủ không trả lời. Sư nói tiếp: "Trước mắt thường trụ, muốn lừa lão tăng, lui mau! lui mau ! Chớ làm chướng ngại người khác thưa hỏi".
Sư lại nói, Hôm nay pháp hội này vì một đại sự, có kẻ nào muốn hỏi thì mau mau hỏi đi ? Nhưng mới mở miệng đã không dính dáng rồi. Tại sao như thế ? Chẳng nghe Phật Thích Ca nói: "Pháp lìa văn tự, chẳng thuộc nhân, cũng chẳng thuộc duyên" vì các ông tin chẳng được, cho nên hôm nay mới có sự dây dưa, e rằng Thường Thị cùng các quan viên chưa rõ Phật tánh, chi bằng hãy lui. Sư hét một tiếng ! nói tiếp, người thiếu căn tin, chẳng có ngày xong, đứng lâu mỏi chân, trân trọng!.
*****
Sư thượng đường, Tăng hỏi: "Thế nào là việc trên lưỡi kiếm ?"
Sư đáp: "Tai họa ! Tai họa !"
Tăng do dự muốn nói, Sư bèn đánh.
Tăng hỏi: "Cũng như hành giả trong phòng giã gạo, chân đạp xuống mà quên nhấc lên, vậy ý hướng chỗ nào ?"
Sư đáp: "Bị chìm mất trong suối sâu".
Sư lại nói: "Hễ có kẻ không thiếu nợ đến, họ đều biết chỗ họ đến, nếu đến như thế thì giống như mất hẳn, chẳng đến như thế thì không giây tự trói, bất cứ lúc nào chớ nên đoán mò bậy bạ, hội với không hội đều là sai lầm, rõ ràng nói như thế, mặc cho người thiên hạ bình phẩm, đứng lâu mỏi chân, trân trọng".
*****
Sư thượng đường, nói: "Một người ở trên đỉnh núi chẳng có đường đi ra, một người ở giữa ngã tư đường cũng không biết chỗ xu hướng. Vậy người nào ở trước, người nào ở sau. Không làm Duy Ma Cật, không làm Bố Đại Sĩ, trân trọng".
*****
Sư thượng đường nói: "Có một người suốt kiếp ở giữa đường mà chẳng lìa nhà cửa, có một người lìa nhà cửa mà chẳng ở giữa đường, vậy người nào đáng thọ cúng dường của trời người ?" rồi xuống tòa.
*****
Sư thị chúng rằng: "Hiện nay người học đạo cần phải tự tin, chớ hướng ngoại tìm cầu mà lọt vào cảnh trần của người khác, không phân biệt được tà chánh cũng như có Tổ, có Phật đều là việc trong giáo tích. Có người đề ra một câu nói, hoặc ẩn hoặc hiện liền sanh ra nghi ngờ, chiếu khắp trời đất, thăm hỏi từng nhà cũng không hiểu được. Nếu là kẻ đại trượng phu chớ nên luận chủ, luận khách, luận thị, luận phi, luận sắc, luận tài, luận thuyết..., những lời nói nhàm qua ngày. Sơn tăng ở đây, không kể tăng tục, hễ có kẻ đến đều biết được y, mặc cho y từ chỗ nào đến. Hễ có tên gọi ngữ cú đều là mộng huyễn. Người gặp cảnh được làm chủ, là huyền chỉ của chư Phật. Cảnh Phật chẳng thể tự xưng ta là cảnh Phật, người làm chủ vẫn là đạo nhân vô y này. Nếu có người ra hỏi ta cầu Phật, thì ta liền ứng cảnh thanh tịnh mà ra. Có người hỏi ta Bồ Tát thì ta liền ứng cảnh từ bi mà ra. Có người hỏi ta Bồ Đề, ta liền ứng cảnh tịnh diệu mà ra. Có người hỏi ta Niết Bàn ta liền ứng cảnh tịch tĩnh mà ra. Cảnh tức là muôn điều sai biệt, người thì chẳng sai biệt, cho nên ứng vật hiện hình như mặt trăng trong nước".
Các đạo hữu ! Nếu muốn đúng như pháp, càng phải là đại trượng phu mới được. Nếu qua loa chẳng tự chủ thì chẳng được, như là kẻ đại căn khí chẳng bị mê hoặc, nơi nơi đều làm chủ, thì chỗ đứng đều là chân thật. Hễ có kẻ đến, nói gì ta cũng chẳng thọ nhận. Có một niệm nghi, ma liền nhập tâm, cũng như lúc nghi Bồ Tát thì ma sanh tử được phương tiện để nhập. Hễ được ngưng niệm, chớ hướng ngoại tìm cầu. Việc đến thì chiếu soi, ngươi chỉ tin cái dụng hiện nay một việc gì cũng KHÔNG. Ngươi trong tam giới sanh một niệm, liền tùy duyên bị cảnh chia làm sáu trần. Chỗ ứng dụng hiện nay của ngươi đâu có thiếu cái gì. Trong một sát na vào tịnh vào uế, vào lầu các Di Lặc, vào tam nhãn quốc độ, nơi nơi du lịch chỉ thấy danh không ?
Hỏi: "Thế nào là tam nhãn quốc độ ?"
Sư nói: "Ta cùng ngươi vào tịnh diệu quốc độ, mặc áo thanh tịnh, thuyết pháp thân Phật; lại vào vô sai biệt quốc độ, mặc áo vô sai biệt, thuyết Báo Thân Phật ; lại vào trong quốc độ giải thoát mặc áo quang minh, thuyết Hóa Thân Phật. Cái tam nhãn quốc độ này đều là y biến. Theo nhà kinh luận, lấy Pháp thân làm căn bản, báo hóa hai thân là dụng. Chỗ thấy của sơn tăng thì Pháp thân lại chẳng hiểu thuyết pháp, như người xưa có nói: "Thân y nghĩa lập, Pháp tánh thân, Pháp tánh độ", biết rõ là pháp kiến lập, là quốc độ y thông, là lá cây vàng, là nắm tay không, dùng để lừa gạt con nít. Trong xương khô tìm nước tủy, ngoài tâm chẳng có pháp, ở trong cũng bất khả đắc, vậy muốn cầu vật gì? Các ngươi nghe các nơi nói rằng có tu có chứng. Chớ sai lầm ! Nếu do tu mà đắc được, đều là nghiệp sanh tử. Ngươi nói Lục Độ Vạn Hạnh cùng tu, ta thấy đều là tạo nghiệp. Cầu Phật, cầu Pháp tức là tạo nghiệp địa ngục, cầu Bồ Tát cũng là tạo nghiệp, xem kinh, xem giáo cũng là tạo nghiệp, Phật với Tổ là người vô sự, cho nên hữu lậu, hữu vi, vô lậu, vô vi là nghiệp thanh tịnh".
*****
Phổ Hóa thường đi khắp đường phố rung chuông rao rằng: "Bên sáng đến thì đánh bên sáng, bên tối đến thì đánh bên tối, bốn phương tám hướng đến thì xoay vần đánh, hư không đến thì cả mình đánh".
Sư nghe người ta kể lại, bèn sai thị giả đi gặp ông ấy. Khi vừa nghe ông ấy nói như thế liền đến ôm chặt rồi hỏi: "Lúc tất cả đều không đến thì phải như thế nào ?"
Phổ Hóa liền xô ra nói: "Ngày mai trong viện Đại Bi có cơm chay ăn".
Thị giả về kể lại với Sư, Sư nói: "Ta lúc nào cũng nghi ông này!".
*****
Sư nghe trụ trì đời thứ nhì Đức Sơn thị chúng rằng: "Nói được cũng cho ba mươi gậy, nói không được cũng cho ba mươi gậy".Sư bèn sai Lạc Phổ đi hỏi: "Tại sao nói được cũng cho ba mươi gậy ?" Đợi y sắp đánh, ngươi liền tiếp nắm cây gậy rồi đẩy một cái xem y làm thế nào! Lạc Phổ vâng lời làm theo, đẩy một cái thì Đức Sơn bèn trở về phương trượng.
Lạc Phổ về kể lại với Sư, Sư nói: "Ta lúc nào cũng nghi ông này". Mặc dù như thế ngươi còn thấy được Đức Sơn chăng ? Lạc Phổ do dự chưa nói, Sư bèn đánh.
*****
Vương Thường Thị, một hôm đến thăm sư, cùng sư đến trước tăng đường xem và hỏi rằng: "Cả tăng chúng trong tăng đường này còn có xem kinh chăng ?"
Sư nói: "Không xem kinh".
Thường Thị hỏi: "Còn có học thiền chăng ?"
Sư nói: "Không học thiền".
Thường Thị nói: "Kinh không xem, thiền cũng không học, rốt cuộc làm cái gì?"
Sư nói: "Trọn bảo họ thành Phật thành Tổ đi !"
Thường Thị nói: "Mạt vàng dù quí, lọt vào mắt cũng làm xốn mắt, đâu có ích gì !"
Sư nói: "Tưởng ngươi là một kẻ tục hán (kẻ tầm thường)".
*****
Sư hỏi Lạc Phổ rằng: "Xưa kia, có một người hay dùng gậy, một người hay dùng hét, vậy người nào hay ?"
Lạc Phổ nói: "Đều không hay".
Sư hỏi: "Chỗ hay là thế nào ?"
Lạc Phổ bèn hét, Sư bèn đánh.
*****
Sư thấy tăng đến, đưa hai tay ra, tăng không nói gì, sư hỏi: "Lãnh hội chăng ?"
Vị tăng đáp: "Không lãnh hội".
Sư nói: "Sức mạnh mở không ra, cho ngươi hai điếu tiền".
*****
Có Thượng Tọa Định đến tham vấn, hỏi: "Thế nào là đại ý của Phật Pháp ?"
Sư xuống thiền sàn, nắm chặt Định rồi cho một bạt tay, liền xô ra.
Định đứng chưng hửng. Vị tăng bên cạnh nói: "Thượng-tọa Định sao không lễ bái?". Định vừa lễ bái, hoát nhiên đại ngộ.
*****
Sư hỏi một ni: "Thiện đến hay ác đến ?"
Vị ni bèn hét, Sư đưa gậy lên bảo rằng: "Nói lại đi! nói lại đi!"
Ni cũng hét, Sư bèn đánh.
*****
Long Nha hỏi Sư: "Thế nào là ý Tổ Sư từ Tây Trúc đến ?"
Sư nói: "Đưa thiền bảng cho ta".
Nha bèn đưa thiền bảng cho sư, sư cầm được bèn đánh. Nha nói: "Đánh thì cứ đánh, nhưng không có ý Tổ sư".
Sau đó Nha đi tham vấn Thúy Vi, hỏi: "Thế nào là ý Tổ sư từ Tây Trúc đến?".
Thúy Vi nói: "Đưa bồ đoàn cho ta"
Nha bèn đưa bồ đoàn cho Thúy Vi, Vi cầm được bèn đánh. Nha nói: "Đánh thì cứ đánh, nhưng không có ý Tổ Sư".
Sau này Nha trụ trì ở tu viện. Có một vị tăng vào thỉnh ích (hỏi đạo) rằng: "Lúc Hòa-thượng đi hành cước đối với nhân duyên tham vấn hai vị tôn túc, Ngài cho họ là đúng hay không đúng ?"
Nha nói: "Đúng thì thật đúng, nhưng không có ý Tổ Sư".
*****
Một hôm, Phổ Hóa đi dạo khắp đường phố, gặp ai cũng xin cái áo, mọi người đều cho, nhưng Phổ Hóa không nhận. Sư sai viện chủ đi mua một cái quan tài. Khi Phổ Hóa về, sư nói: "Ta làm cho ngươi một cái áo rồi đây !" Phổ Hóa liền tự vác cái quan tài đi dạo khắp phố và rao rằng: "Lâm Tế đã cho tôi cái áo rồi, nay ta đi ra thành cửa đông để viên tịch". Người trong chợ tranh nhau đi theo xem, Phổ Hóa nói, "Hôm nay ngày không tốt, ngày mai đi cửa nam tịch". Cứ như thế đi luôn ba hôm qua ba cửa thành, mọi người đều không tin nữa. Đến ngày thứ tư, không có ai đi theo, một mình ra ngoài thành, tự nằm vào quan tài, nhờ người đi đường đậy nắp đóng đinh giùm. Tin tức truyền đi khắp cả chợ, mọi người trong chợ tranh nhau mở quan tài ra xem, thì thấy ngài đã viên tịch, chỉ nghe trong hư không có tiếng rung chuông dần dần đi xa.
*****
Một hôm, Sư biết sắp tịch nên nói kệ truyền pháp rằng:
"Theo dòng chẳng ngưng hỏi cái chi
Chiếu soi vô biên nói cho y
Lìa danh lìa tướng người không hiểu Xuy-mao (*) dùng xong liền quên đi".
(Duyên lưu bất chỉ vấn như hà
Chơn chiếu vô biên thuyết tợ tha
Ly tướng ly danh nhân bất bẩm
Xuy-mao dụng liễu cấp tu mồ)

Rồi Sư dạy chúng: "Sau khi ta nhập diệt, không được diệt mất Chánh Pháp Nhãn Tạng của ta".
Tam Thánh ra nói: "Đâu dám diệt mất Chánh Pháp Nhãn Tạng của Hòa Thượng".
Sư bảo: "Về sau có người hỏi ngươi, ngươi nói với họ thế nào ?"
Tam Thánh hét !
Sư nói: "Ai dè Chánh Pháp Nhãn Tạng của ta đến bên con lừa mù này diệt mất". Nói xong, sư ngồi an nhiên thị tịch, nhằm niên hiệu Hàm Thông nhà Đường, năm thứ tám (868 Tây lịch), ngày 10 tháng 4 năm Đinh Hợi. Vua ban cho sư hiệu là Huệ Chiếu Thiền sư. Toàn thân nhập tháp nơi Phủ Tây núi hướng Bắc Trấn Châu.
(*) Xuy-mao: là một thành ngữ ám chỉ một sợi tóc để trên lưỡi cây bảo kiếm, chỉ thổi một cái là đứt liền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét