Trang

++ CHÙA A DI ĐÀ KÍNH CHÚC QUÍ VỊ MỘT NGÀY AN VUI. http://chuaadida.blogspot.com nay được đưa về trang nhà chuaadida.com. KÍNH MỜI QUÍ VỊ HOAN HỶ GHÉ THĂM TRANG NHÀ chuaadida.com và chia sẽ mọi người cùng biết. Cảm Ơn " ++
++ Thật hạnh phúc cho những ai biết cho mà không hề nhớ đến, biết nhận mà không hề quên đi. -- Đừng đau khổ với những gì mình không có, hãy biết vui với những gì mình đang có trong tay. -- Giá trị đích thực của sự cho đi không nằm ở món quà lớn hay nhỏ, mà nằm ở tầm lòng của người cho. -- Có 3 cách để tự làm giầu cho mình: mỉm cười, cho đi, và tha thứ. -- Tức giận là cơn lốc xóa đi mọi sự thông minh. -- Thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. -- Phải ăn để sống chứ không phải sống để ăn. -- Một nụ cười có thể thay đổi một ngày. Một cái ôm có thể thay đổi một tuần. Một lời nói có thể thay đổi một cuộc sống. -- Đừng bao giờ cau mày hay nhăn mặt thậm chí khi bạn đang buồn. Chắc chắn sẽ có ai đó yêu bạn chỉ vì nụ cười của bạn thôi. Với thế giới, bạn chỉ là một cá nhân, nhưng với một ai đó, bạn là cả thế giới. -- Sự kiên nhẫn là sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. -- Ðừng khóc vì mọi việc đã qua, hãy cười vì mọi việc đang chờ phía trước. -- Với lòng nhân ái đôi khi vực người từ hố thẳm, Với dạ hẹp hòi đôi lúc đẩy người tận vực sâu. -- Dù xa cách mấy trùng dương Ở đâu cũng có quê hương trong lòng. -- Tiền tài biết đủ thân không nhục, Danh lợi không tham đức mới cao. -- Tiền tài rồi cũng hết, Danh lợi rồi cũng tan, Duy chỉ có lòng người, Sống mãi với thời gian. -- Có không thương ghét chẳng bận lòng, Được mất hơn thua chẳng ngóng trông, Mở rộng tâm ra lòng thanh thảng, An nhiên tự tại dạ thong dong. -- Có thành công lớn nhỏ nào, không từ kiên nhẫn mà nên++

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Sử liệu mới về thiền sư Toàn Nhâm Quán Thông

imageThiền sư Quán Thông (1798 - 1883) là một trong những vị cao tăng của Phật giáo Quảng Nam nửa cuối thế kỷ 19.
Ngài pháp danh Toàn Nhâm, pháp tự Vi Ý, pháp hiệu Quán Thông, nối pháp đời thứ 37 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 4 pháp phái Chúc Thánh, kế thừa tổ sư Pháp Kiêm Minh Giác (1747 - 1830) làm trụ trì đời thứ 3 tổ đình Phước Lâm, thắp sáng rực rỡ ngọn đèn thiền dòng Lâm Tế.
Đạo hạnh của ngài ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ tăng đồ của các tỉnh miền Trung. Hiện tại, đa phần sự truyền thừa cùa chư tăng dòng Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam đều là hậu duệ của ngài. Tuy nhiên, tư liệu viết về ngài rất hiếm hoi và sơ sài. Duy nhất chì trong một văn bản của trụ trì đời thứ sáu chùa Phước Lâm là đại sư Phổ Minh, chỉ viết ngắn gọn về sinh quán, niên đại sinh và tịch chứ không ghi lại hành trạng của ngài.
May thay, vào năm 2010,trong một lần sưu tầm tư liệu tại tổ đình Long Tuyền, Hội An, chúng tôi bắt gặp được tập tư liệu chữ Hán do danh nho Đặng Huy Trứ viết về ngài.
Tập tư liệu được Đặng Huy Trứ viết vào tháng Giêng năm Tự Đức thứ 27, Giáp Tuất (1874),trước khi ông mất 7 tháng, vào ngày mồng 7 tháng 8 cùng năm. Tư liệu gồm 3 tờ giấy bổi kích cỡ 16cm X 30cm được đóng lại với nhau bằng sợi chỉ giấy bổi. 3 tờ sáu mặt, mỗi mặt gồm có 7 dòng, mồi dòng chữ nhiều ít tùy theo nội dung. Riêng mặt thứ 6 thì chỉ ghi 6 chữ kết thúc nội dung văn bản. Nguyên văn như sau:
夫佛之為教,拔有漏之身,超無量之劫,開善誘之門,施方便之力,以戒律為教文,以禪定為真守,拯苦海之沉溺,救火宅之焚燒.天上天下與儒道鼎立而三 者也.佛之弟子為上人.自非内有德智,外有勝行,在人之上者,何以當之.是故傳灯继灯,非得其人不可.佛子,舊治屬廣南省,奠盤府,延福縣,五行山三台官 寺住持貫通和尚阮上人,我臨濟正宗也.平定省,安仁府,綏遠縣,安義總,清廉村人也.前者福林寺亦延 福一名藍也,有明覺和尚在此修行,弟子信善從者雲集.上人慕之投為弟子,苦勵工夫,既得真鉢,鋅歸平定入十塔寺居焉,未幾明覺和尚西歸.
我仁廟嗣服之十三年壬辰,福林寺眾以继灯难其人,懇請上人主其寺,眾以事先和尚之禮事之.蓋其苦行真修為眾所推服者素矣.乙未中元,春官奉旨啟設普 度幽蓂水陸道場大齋坛,有選僧之命.上人與焉,欽蒙恩賜度牒一,戒刀一, 仍充福林寺住持.潛確類書云:住者,安心覺海,永息攀緣.持者,把持萬行,無漏無失.上人當不負恩命矣.迺於戊戌之吉 增修祝聖寺,廢者興焉.
丁未,富安,平定,廣義,諸省山僧,會開大戒坛進為貫通和尚.我皇上嗣德二年己酉,疫大作.上人發願于會安大占設水陸大齋坛一七日夜,募緣請僧二帖皆出佛子手.法事圓成,復歸平定建報恩寺,纔十餘閫揚梵教,不一而足.
壬戌,奉旨補充三台寺主教.九重光顧,佛法增輝,亦上人之德智勝行有以回日月之照也.從此帝道遐昌,而上人亦登無量壽,則開覺渡迷,豈獨造寺修齋一二事而,天恩優渥,為日且猶長矣.
佛子,自襁褓二嚴以难養故,皈于三寳發解後,遊學廣南得見上人者屢日久見親,继而試政又继而來宣.與上人相朝夕,久而化焉幾不知上人之為真而.佛子之為俗矣.真真俗俗,總是空也,年週而別.佛子風塵勞頓幾,不自存而上人仍 然禪灯也,公事之暇日掇數語為上人贈.
天運嗣德萬萬年之二十七孟春
南無佛歡喜日原廣南布政使改派平準今充三宣軍次商辦軍務丁未科解元臨濟正尊皈依弟子鄧輝著法名海德盥 書.
于河内今覺庵.
Dịch nghĩa:
“Ôi! Phật lập giáo pháp, cốt cứu thân hữu lậu vượt qua vô lượng kiếp trầm luân, mở pháp môn giáo hóa khéo léo, bày năng lực phương tiện quyền xảo, lấy giới luật để trau dồi oai nghi tế hạnh, dùng thiền định để chứng đắc chơn tâm bản tánh, vớt kẻ trầm luân trong biển khổ, cứu người chết cháy nơi nhà lửa. Trong trời đất này, nhà Phật với Khổng, Lão lập thành thế ba chân. Đệ tử Phật là Thượng nhân đây, nếu chẳng phải là người trong đủ đức trí, ngoài đầy thắng hạnh, thì làm sao đảm đương nổi vị trí cao thượng của nhân loại đó! Thế nên, việc truyền thừa mạng mạch, nếu không gặp được người như thế thì không thể truyền.
Đệ tử trước đây trấn nhậm tỉnh Quảng Nam. Lúc đó chùa quan Tam Thai, Ngũ Hành Sơn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn có hòa thượng Quán Thông - Thượng nhân họ Nguyễn, vốn dòng Lâm Tế chánh tông ta, đang trụ trì. Thượng nhân vốn người thôn Thanh Liêm, tổng An Nghĩa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhon, tỉnh Bình Định.
Trước đây, chùa Phước Lâm, cũng là một danh lam của huyện Diên Phước, có hòa thượng Minh Giác ở đó tu hành, thiện nam tín nữ qui tụ rất nhiều. Thượng nhân mến đức của ngài nên xin làm đệ tử, cần khổ tu hành. Sau khi được truyền y bát, Thượng nhân xin về ở chùa Thập Tháp tại Bình Định. Sau đó không bao lâu thì hòa thượng Minh Giác viên tịch.
Minh Mạng năm thứ 13,Nhâm Thìn (1832) do tìm người kế thừa không được nên tăng chúng chùa Phước Lâm khẩn thỉnh Thượng nhân trụ trì, và lấy lễ thầy trò của hòa thượng trước đây mà thờ ngài. Chính vì sự khổ hạnh chân tu của Thượng nhân, nên trước nay vốn được tăng chúng kính phục.
Trung nguyên năm Ắt Mùi (1835), quan kinh thành phụng ý chi mở đại trai đàn thủy lục phổ độ u minh, cỏ lệnh vua tuyển lựa tăng, Thượng nhân được mời tham dự, được vua ban một giới đao, một độ điệp, và vẫn tiếp tục đảm nhiệm trụ trì chùa Phước Lâm. Trong Tiềm xác loại thư ghi: “Trụ là đặt tâm trong biển giác, dứt hẳn phan duyên. Trì là giữ gìn muôn hạnh, không để sơ suất.” Thượng nhân quả không phụ thánh ân. Đến ngày lành năm Mậu Tuất (1838),tu sửa chùa Chúc Thánh, khiến nơi hoang tàn đổ nát thành điện đường trang nghiêm.
Năm Đinh Mùi (1847),chư sơn các tinh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi cùng mở giới đàn, tôn phong Thượng nhân làm hòa thượng đàn đầu.
Vào niên hiệu Tự Đức thứ 2, năm Kỷ Dậu (1849), bệnh dịch lan tràn, Thượng nhân phát nguyện mở đại trai đàn thủy lục 7 ngày đêm tại Đại Chiêm, Hội An. Hai thiệp quyên góp hóa duyên và thỉnh tăng đều do đệ tử soạn viết. Pháp sự viên thành, Thượng nhân về lại Bình Định xây chùa Báo Ân, mới hơn 10 năm, mở mang chùa viện, giáo hóa đồ chúng, làm nhiều Phật sự.
Năm Nhâm Tuất (1862), Thượng nhân phụng chỉ đảm nhiệm trụ trì chùa Tam Thai.
Ân vua tỏa chiếu, Phật pháp huy hoàng, cũng là nhờ đức trí thắng hạnh của Thượng nhân tỏ hơn vầng nhật nguyệt. Từ đây, đạo trị nước của vua hưng thịnh vững bền, đức hóa chúng của Chân dung Đặng Huy Trứ thượng nhân ngày thêm tò rạng, thì việc khai nguồn giác độ kẻ mê không chỉ một hai việc dựng chùa lập đàn. Ân vua thấm nhuần, sáng ngời mãi mãi.
Phật từ từ thuở lọt lòng, vì song đường sợ khó nuôi nên sớm cho quy y Tam bảo. Sau lớn khôn mới cho ra Quảng Nam học hành. Nhờ vậy mà có phước duyên diện kiến Thượng nhân, lâu ngày thân thiết, rồi thì Phật tử đi thi, rồi thì đỗ đạt. Sớm hôm được gần gũi Thượng nhân, dần dần được chuyển hóa, dường như không còn ranh giới phân biệt giữa Thượng nhân là bậc chân tu thạc đức, còn Phật tử là kẻ tục gia. Chân chân tục tục thảy đều rỗng rang. Thầy trò thân tình tròn một năm thì cách biệt. Từ đó, Phật tử bị hồng trần vùi dập tưởng chừng không đứng lên nổi, nhưng Thượng nhân vẫn vững bước nối rạng đèn thiền.
Nhân lúc công sự nhàn rỗi, đệ từ mạo muội góp nhặt đôi lời kính về Thượng nhân!
Nam mô ngày Phật hoan hỷ, tháng Giêng (Giáp Tuất - 1874),Tự Đức năm thứ 27.
Đệ tử tên Đặng Huy Trứ, qui y Lâm Tế Chánh Tông pháp danh Hải Đức, Giải nguyên khoa thi Đinh Mùi (1847), nguyên Bố chánh sứ Quảng Nam, cải phái Bình Chuẩn, nay đảm nhiệm chức Tam tuyên quân thứ, thương biện quân vụ, kính cẩn viết.
Am Kim Giác, Hà Nội.
(Đồng Ngộ dịch)
Chùa Phước Lâm, Quảng Nam nơi thiền sư Toàn Nhâm Quán Thông từng trụ trì.
Qua tư liệu này, tuy chưa toát hết hành trạng của thiền sư Quán Thông nhưng phần nào cho chúng ta hiểu được sự nghiệp hoằng pháp của ngài với một số điểm căn bản như sau:
-Thiền sư là người cần tu khổ hạnh. Phạm hạnh của ngài được đồng môn huynh đệ tôn kính như bậc thầy của mình.
-Trong phú chúc của tổ Minh Giác có cử thiền sư Toàn Định Bảo Tạng (1789 - 1842) làm đô tự chùa Phước Lâm vào ngày 24 tháng 4 năm Canh Dần (1830) trước khi tổ viên tịch 8 tháng thì không có điểm chỉ của ngài Quán Thông. Đáng lý ra thì ngài Bảo Tạng kế thừa trụ trì chùa Phước Lâm, nhưng trước đó ngài về trùng tu và trụ trì chùa Thắng Quang tại quê nhà (nay thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Vì thế, môn hạ Phước Lâm mới vào Thập Tháp mời ngài Quán Thông về kế vị trụ trì chùa Phước Lâm vào năm Nhâm Thìn (1832),sau khi mãn tang bổn sư là hòa thượng Minh Giác. Chi tiết này trong văn bản đã giải tỏa những thắc mắc từ trước đến nay về nguyên nhân trong tờ phú chúc của tổ Minh Giác không sự điểm chỉ cho tổ Quán Thông.
-  Ngoài việc kế thừa trụ trì chùa Phước Lâm, ngài còn được thỉnh làm trụ trì tổ đình Chúc Thánh và đã trùng tu chùa này vào năm Mậu Tuất (1838). Đồng thời ngài còn về quê nhà tại Bình Định khai sơn chùa Báo Ân[1] và trụ tại đây gần 10 năm để giáo hóa đồ chúng. Ân đức của ngài tỏa khắp các tỉnh miền Trung nên chư sơn các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú đã khai giới đàn tại chùa Chúc Thánh vào năm Đinh Mùi (1847) và khẩn thỉnh ngài lên ngôi vị đường đầu hòa thượng để đàn hậu học được thấm nhuần giới pháp.
-Ngoài việc tiếp tăng độ chúng, kiến tạo già lam, sùng hưng chốn tổ, ngài còn chăm lo đến cuộc sống của nhân dân. Đại để như khi nào có dịch bệnh thiên tai thì ngài lập đàn cầu đảo để mọi người được yên ổn. Ngài còn tham dự các Pháp sự do triều đình tổ chức để cầu nguyện mưa hòa gió thuận, quốc thái dân an.
-Đạo hạnh và học vấn của ngài khiến cho các vị danh nho quan lại đương thời kính mến nể vì. Điều này đã được thể hiện qua văn bản với chính thủ bút của Đặng Huy Trứ (1825 - 1874), một danh thần triều Tự Đức từng làm Bố chánh sứ Quảng Nam năm 1864. Danh thần họ Đặng đã hết lòng ca ngợi ngài với danh xưng “Thượng nhân”, còn mình khiêm cung xưng là “Phật tử”.
Chân dung Đặng Huy Trứ
Tóm lại, với tư liệu này, chúng ta hiểu rõ hơn phần nào về cuộc đời và hành trạng của thiền sư Toàn Nhâm - Quán Thông, một bậc danh tăng của thiền phái Chúc Thánh tại tinh Quảng Nam. Đồng thời, thấy được tầm ảnh hưởng đạo đức của ngài đến các tầng lóp nhân dân đương thời, đặc biệt là giới quan lại trí thức mà cụ thể là mối quan hệ của ngài với danh nho Đặng Huy Trứ, nguyên Bố chánh sứ Quảng Nam triều Tự Đức. Mong rằng, trong tương lai, chúng ta còn tìm thêm được nhiều tư liệu về ngài để đàn hậu học được rõ tường đạo hạnh của một bậc danh tăng.
TNT
Nguồn: Suối Nguồn số 3 & 4


[1] Trong lần nghiên cứu điền dã tại Bình Định tháng 3 năm 2011,chúng tôi có tìm được điệp quy y của hòa thượng Chơn Giám - Trí Hài (HT.Bích Liên) cấp cho đệ tử Như Ái (tức sư bà Tịnh Viên, trụ trì chùa Hương Quang, Tuy Phước) vào ngày 13 tháng 7 năm Đinh Mão (1927). Bản điệp văn này được dập từ bản khắc gồ của chùa Báo Ân, góc cuối bên phải bản điệp có ghi đòng chữ: “Báo Ân tự trụ trì Quán Thông hòa thượng, Giáp Dần niên lục nguyệt sóc nhật”. Nghĩa là: Hòa thượng Quán Thông trụ trì chùa Báo Ân khắc bàn điệp này vào ngày mồng 1 tháng 6 năm Giáp Dần (1854). Tuy nhiên, chúng tôi đã nhiều lần hỏi thăm chư tôn đức tại Bình Định về gốc tích ngôi chùa Báo Ân này, nhưng phần lớn các ngài đều không rõ. Thật là đáng tiếc...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét