Trang

++ CHÙA A DI ĐÀ KÍNH CHÚC QUÍ VỊ MỘT NGÀY AN VUI. http://chuaadida.blogspot.com nay được đưa về trang nhà chuaadida.com. KÍNH MỜI QUÍ VỊ HOAN HỶ GHÉ THĂM TRANG NHÀ chuaadida.com và chia sẽ mọi người cùng biết. Cảm Ơn " ++
++ Thật hạnh phúc cho những ai biết cho mà không hề nhớ đến, biết nhận mà không hề quên đi. -- Đừng đau khổ với những gì mình không có, hãy biết vui với những gì mình đang có trong tay. -- Giá trị đích thực của sự cho đi không nằm ở món quà lớn hay nhỏ, mà nằm ở tầm lòng của người cho. -- Có 3 cách để tự làm giầu cho mình: mỉm cười, cho đi, và tha thứ. -- Tức giận là cơn lốc xóa đi mọi sự thông minh. -- Thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. -- Phải ăn để sống chứ không phải sống để ăn. -- Một nụ cười có thể thay đổi một ngày. Một cái ôm có thể thay đổi một tuần. Một lời nói có thể thay đổi một cuộc sống. -- Đừng bao giờ cau mày hay nhăn mặt thậm chí khi bạn đang buồn. Chắc chắn sẽ có ai đó yêu bạn chỉ vì nụ cười của bạn thôi. Với thế giới, bạn chỉ là một cá nhân, nhưng với một ai đó, bạn là cả thế giới. -- Sự kiên nhẫn là sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. -- Ðừng khóc vì mọi việc đã qua, hãy cười vì mọi việc đang chờ phía trước. -- Với lòng nhân ái đôi khi vực người từ hố thẳm, Với dạ hẹp hòi đôi lúc đẩy người tận vực sâu. -- Dù xa cách mấy trùng dương Ở đâu cũng có quê hương trong lòng. -- Tiền tài biết đủ thân không nhục, Danh lợi không tham đức mới cao. -- Tiền tài rồi cũng hết, Danh lợi rồi cũng tan, Duy chỉ có lòng người, Sống mãi với thời gian. -- Có không thương ghét chẳng bận lòng, Được mất hơn thua chẳng ngóng trông, Mở rộng tâm ra lòng thanh thảng, An nhiên tự tại dạ thong dong. -- Có thành công lớn nhỏ nào, không từ kiên nhẫn mà nên++

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

LÂM TẾ NGỮ LỤC (2)



Nghĩa Huyền Thiền Sư
Thích Duy Lực dịch từ Hán Văn sang Việt Văn

Từ Ân Thiền Đường Hoa Kỳ Xuất Bản Năm 1993 Phật lịch 2536

---O0O---
LỜI BÌNH PHẨM
Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn: các bậc Thánh từ xưa lấy gì để độ người?.
Ngưỡng Sơn nói: ý của Hòa Thượng thế nào?
Quy Sơn nói: Hễ có lời nói, chẳng phải nghĩa thật.
Ngưỡng Sơn nói: Không phải.
Quy Sơn nói: Vậy ông cho là thế nào ?
Ngưỡng Sơn nói: "Quan bất dung kim, tư thông xa mã". (Nhỏ như mũi kim không cho lọt qua quan ải, lén lúc thì cả xe lớn cũng thông qua)
*****
Sư đến Đại Từ, Đại Từ ngồi trong phương trượng.
Sư hỏi: "Lúc đang ngồi ngay trong trượng thất là thế nào ?"
Từ nói: "Hàn tùng nhứt sắc thiên niên biệt, dã lão niêm hoa vạn quốc xuân". (Cây tùng ngàn năm một màu tuyết, lão già niêm hoa muôn cảnh xuân)
Sư nói: "Kim cổ vĩnh siêu viên trí thể, tam sơn tỏa đoạn vạn trùng quan". (Trí thể viên mãn siêu kim cổ, núi non phong tỏa vạn trùng quan)
Từ bèn hét!
Sư cũng hét!
Từ nói thế nào ?
Sư liền phất tay áo ra đi.

Sư đến Tương Châu Hoa Nghiêm, gặp Hoa Nghiêm đang dựa cây gậy làm thế ngủ. Sư nói: "Lão Hòa Thượng tại sao buồn ngủ?" Hoa Nghiêm đáp: "Tắc gia thiền khách, rõ ràng chẳng động".
Sư bèn gọi thị giả châm trà mời lão Hòa Thượng uống. Hoa Nghiêm gọi Duy Na sắp chỗ ngồi thứ ba cho Thượng Tọa này ngồi.
*****
Sư đến Thúy Phong, Thúy Phong hỏi: "Từ đâu đến đây ?"
-- Từ Hoàng Bá đến, Sư đáp
-- Hoàng Bá có lời dạy gì? Thúy Phong hỏi tiếp.

Sư nói: "Hoàng Bá chẳng có lời nói gì".
-- Tại sao không ? Thúy Phong hỏi.
Sư nói: "Giả sử có cũng không có chỗ để kể".
Phong nói: "Cứ kể xem đi !"
-- Nhất tiễn quá Tây Thiên, (bắn một mũi tên đã qua khỏi Tây Thiên) Sư đáp.
*****
Sư đến Tượng Điền, hỏi: "Bất phàm, bất thánh xin Sư nói mau"
Điền đáp: "Lão tăng chỉ như thế này"
Sư bèn hét rằng: "Bao nhiêu trọc đầu cứ ở đây tìm việc gì vậy ?"
*****
Sư đến Minh Hóa, Hóa hỏi: "Đến đến, đi đi làm cái gì ?"
Sư đáp: "Chỉ mong dẫm mòn dép cỏ".
Hóa lại nói: "Thật ra muốn gì đây ?"
Sư nói: "Lão hán này, thoại đầu cũng không biết".
*****
Sư đến Tháp Sơ Tổ Đạt Ma, Tháp Chủ nói: "Lễ Phật trước hay lễ Tổ trước ?"
Sư đáp: "Tổ và Phật đều chẳng lễ".
Tháp Chủ nói: "Không biết Phật với Tổ có oán thù gì với trưởng lão ?"
Sư bèn phất tay áo đi ra.
Một hôm Sư đến Kim Ngưu. Ngưu thấy Sư đến bèn cầm cây gậy ngồi ngang trước cổng. Sư dùng tay gõ cây gậy ba cái rồi đến pháp đường ngồi đệ nhất tọa. Ngưu thấy bèn hỏi: "Chủ khách gặp nhau mỗi mỗi đều tỏ oai nghi, Thượng Tọa từ đâu đến mà quá vô lễ vậy?"
Sư đáp: "Lão Hòa Thượng nói cái gì ?"
Ngưu định mở miệng, Sư bèn đánh một tọa cụ, Ngưu làm thế té xuống, Sư lại đánh thêm một tọa cụ nữa. Ngưu nói: "Hôm nay xui quá". Rồi về phương trượng.
LỜI BÌNH PHẨM Qui Sơn hỏi Ngưỡng Sơn: hai vị tôn túc này có thắng bại hay không?
Ngưỡng Sơn nói : Thắng thì cùng thắng mà bại thì cùng bại.

*****
Một ngày kia, Hoàng Bá bảo sư mang thư đến Qui Sơn. Khi ấy Ngưỡng Sơn làm Tri khách, nhận được thư do Sư trao, liền hỏi: "Cái này là của Hoàng Bá, còn cái nào của sứ giả đây ?"
Sư bèn bạt tai. Ngưỡng Sơn nắm tay lại nói: "Lão huynh biết việc này thì thôi".
Rồi hai người cùng nhau đi gặp Qui Sơn. Qui Sơn hỏi: "Hoàng Bá sư huynh có bao nhiêu chúng ?"
Sư đáp: "Bảy trăm chúng".
Qui Sơn hỏi: "Người nào làm Quản-chúng?".
Sư nói: "Hồi nẫy đã đưa thư rồi". Sư hỏi lại Qui Sơn: "Hòa Thượng ở đây được bao nhiêu chúng?"
Qui Sơn nói: "Một ngàn năm trăm chúng".
Sư nói: "Nhiều quá ha !"
- Sư huynh Hoàng Bá cũng không ít, Qui Sơn đáp.
Sư từ giã Qui Sơn, Ngưỡng Sơn đưa ra cửa nói: "Ngươi về sau đi hướng Bắc có chỗ ở".
Sư nói: "Há có việc này ư ?"
Ngưỡng Sơn nói: "Hãy đi đi, về sau có một người phụ tá cho lão huynh, người này có đầu không có đuôi, có thủy mà không có chung". (Sau này, Sư đến Trấn Châu, Phổ Hóa đã ở đó trước Sư, Sư khai đường kiến lập tông phong, Phổ Hóa phụ tá cho Sư, Sư trụ không bao lâu, Phổ Hóa mất trước).
Khi Sư đến trụ trì chùa Lâm Tế, kẻ học thiền đến rất đông. Một hôm, Sư nói với hai Thượng-tọa Phổ Hóa và Khắc Phù rằng: "Ta muốn ở đây kiến lập tông chỉ Hoàng Bá, hai ông hãy giúp ta". Hai vị lui ra.
Ba ngày sau, Phổ Hóa đến hỏi: "Ba ngày trước Hòa Thượng nói gì ?"
Sư bèn đánh.
Ba ngày sau nữa, Khắc Phù lại đến hỏi: "Ba ngày trước Hòa Thượng đánh Phổ Hóa là sao ?"
Sư cũng đánh.
Đến chiều tiểu tham, Sư dạy chúng:
"Có khi đoạt nhân không đoạt cảnh ;
Có khi đoạt cảnh không đoạt nhân ;
Có khi nhân cảnh đều đoạt ;
Có khi nhân cảnh đều không đoạt".

Khắc Phù hỏi: "Thế nào là đoạt nhân không đoạt cảnh ?"
Sư đáp:
"Mặt trời phát sinh lụa trải khắp,
Hài nhi tóc dài trắng như tơ".
(Hi nhật phát sinh phô địa cẩm,
Anh hài thùy phát bạch như ti)

Khắc Phù lại hỏi: "Thế nào là đoạt cảnh không đoạt nhân ?"
Sư đáp:
"Lệnh vua đã ban khắp thiên hạ,
Tướng quân biên thùy chẳng thấy nghe".
(Vương lệnh dĩ hành thiên hạ biến,
Tướng quân tắc ngoại tuyệt yên trần).

Khắc Phù lại hỏi: "Thế nào là nhân cảnh đều đoạt ?"
Sư đáp:
"Biện Phần (hai tỉnh ở biên giới) bặt tin tức,
Một mình ở một nơi".
(Biện Phần tuyệt tin,
Độc xử nhất phương).

Khắc Phù nói: "Thế nào là nhân cảnh đều không đoạt ?"
Sư đáp:
"Vua lên ngôi bảo điện,
Lão ẩn dật ca ngợi".
(Vương đăng bảo điện,
Dã lão âu ca)

Khắc Phù nghe xong, liền khai ngộ.
*****
Sư từng thị chúng rằng: "Người học từ bốn phương đến. Sơn tăng ở đây phân làm ba thứ căn cơ để tiếp độ. Như người trung hạ căn đến thì ta đoạt cảnh họ mà chẳng trừ pháp họ; như người trung thượng căn đến thì ta cảnh pháp đều đoạt; như người thượng thượng căn đến thì ta cảnh, pháp, nhơn đều chẳng đoạt; như có kẻ kiến giải xuất cách (siêu việt ba thứ căn cơ) đến thì sơn tăng ở đây bèn toàn thể tác dụng, chẳng tùy căn cơ".
LỜI BÌNH PHẨM Đại Huệ Tông Cảo Thiền sư giải đáp "Tăng hỏi về Tứ liệu giản của ngài Lâm Tế".
Tăng hỏi: Lâm Tế thị chúng rằng: "Có khi đoạt nhân chẳng đoạt cảnh, có khi đoạt cảnh chẳng đoạt nhân, có khi nhân cảnh đều đoạt, có khi nhân cảnh đều chẳng đoạt".
Vậy thưa Hòa Thượng, thế nào là đoạt nhân chẳng đoạt cảnh ?
Đại Huệ đáp: Ngoài ba ngàn dặm tuyệt lầm lẫn.
Vị tăng hỏi tiếp: Thế nào là đoạt cảnh chẳng đoạt nhân ?
Đại Huệ đáp: Nhổ đinh trong mắt.
Tăng lại hỏi: Ngài Lâm Tế nói: "Mặt trời phát sinh lụa trải khắp, Hài nhi tóc dài trắng như tơ". Chẳng biết so với lời đáp của Hòa Thượng là đồng hay là khác ?
Đại Huệ đáp: Ăn phẩn của người ta chẳng phải là con chó tốt.
Vị Tăng lại hỏi tiếp: "Khi lệnh vua đã ban khắp thiên hạ, tướng quân biên thùy chẳng thấy nghe" là thế nào ?
Đại Huệ đáp: Hồi nẫy vẫn còn được, bây giờ lại bậy bạ. Việc này quyết định chẳng ở nơi ngôn ngữ.
Thế cho nên các bậc Thánh xưa tiếp tục ra đời, mỗi mỗi đều dùng phương tiện khéo léo nói đi nói lại cốt để người đời đừng bị kẹt nơi ngôn từ . Nếu ở nơi lời nói thì Đại-tạng giáo điển năm ngàn bốn trăm tám mươi quyển thuyết quyền, thuyết thực, thuyết hữu, thuyết vô, thuyết đốn, thuyết tiệm, đâu phải không có lời nói. Tại sao Tổ Đạt Ma phải đến Đông Độ nói là trao truyền tâm ấn, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật. Vì sao chẳng nói truyền huyền, truyền diệu, truyền ngôn, truyền ngữ chỉ cần người đương cơ, mỗi mỗi ngay đó ngộ tự bản tâm, thấy tự bản tánh nên bất đắc dĩ nói tâm nói tánh đã là quá dài dòng rồi!. Nếu thật muốn nhổ sạch gốc rễ của sanh tử, điều cần thiết nhất là chớ nên ghi nhớ lời nói của ta, dẫu cho niệm được một Đại-tạng giáo điển như bình xả nước, cũng chỉ gọi là chở phẩn vào, không gọi là chở phẩn ra, lại bị những lời nói này chướng ngại làm cho chánh tri kiến của mình chẳng thể hiện tiền, thần thông sẵn sàng của mình chẳng thể phát hiện, chỉ cứ chói lòa sáng bóng trước mắt cho là hiểu thiền, hiểu đạo, hiểu tâm, hiểu tánh, hiểu kỳ lạ, hiểu huyền diệu, giống như quăng gậy đánh mặt trăng, chỉ phí sức tâm thần, Như Lai nói là kẻ đáng thương xót vậy!.
Người xưa phàm có một lời nửa câu làm phương tiện khéo léo để các học nhân nuốt vô cũng không được mà nhả ra cũng không xong, như nuốt phải viên kẹo có gai.Nếu là kẻ anh linh độc thoát, kẻ ra ngoài tình thức siêu việt lý tánh thì những gai góc này cũng chỉ là những đồ chơi, những thứ cơm trà lễ cúng quỷ thần. Chỉ vì ông chẳng thể niệm niệm duyên khởi vô sanh, cứ chỉ hướng vào tâm ý thức mà đoán mò, hễ thấy tông sư mở miệng liền hướng vào trong miệng của tông sư để tìm huyền, tìm diệu, lại bị tông sư đảo ngược một cái thì bổn mạng của mình vẫn chẳng biết lọt vào chỗ nào, dưới gót chân vẫn đen tối, mịt mù như thùng sơn đen ; Cũng như hồi nãy Thượng-tọa hỏi về "đoạt nhân chẳng đoạt cảnh" v.v.. Chỉ biết đọc theo sách!. Tôi đáp đúng như pháp mà họ cũng không hiểu được, cứ hỏi xong một đoạn lại hỏi một đoạn nữa, giống như người nhà quê truyền khẩu lệnh với nhau.
Nay ta chẳng tiếc khẩu nghiệp vì các ngươi mà dây dưa chú giải một phen.
Một hôm Lâm Tế thị chúng rằng: "Có khi đoạt nhân chẳng đoạt cảnh, có khi đoạt cảnh chẳng đoạt nhân, có khi nhân cảnh đều đoạt, có khi nhân cảnh đều chẳng đoạt". Có lãnh hội chăng ? Ngài (Lâm Tế) im lặng giây lâu nhìn qua nhìn lại rồi xuống tòa. Sự kiện này tức là Bảo Kiếm Kim Cang Vương.
Lời nói của ta hôm qua là đem con rắn độc, con rít, con ngô công, đủ thứ độc đựng trong một cái lu, ông thử đem tay thọc vào mà lấy ra một con không độc xem, nếu được như vậy là có ít phần tương ưng ; nếu không được, là tại căn tánh của ông chậm lụt, xưa nay chưa có tu, trách ta chẳng thể được.
Lúc bấy giờ Lâm Tế nói những lời ngắn dài, này nọ, trăm điều vạn mục. Còn đây, chỉ vì ngươi không hiểu, xem không ra, nếu ngươi lãnh hội ý này thì những lời nói của chư Tổ như "Từ khi nước Hồ làm loạn. Ba mươi năm chưa từng thiếu muối tương" (l) hay "Tụng kinh trên lầu chuông, trồng rau ở dưới chân giường".v.v... Thì khỏi cần hỏi đều mỗi mỗi tự biết. Người xưa đưa ra một phương tiện đâu phải là mở miệng bậy đâu, cần phải biết ở trong đất sình có gai góc. Lúc bấy giờ có đạo giả Khắc Phù lãnh hội được ý Lâm Tế bèn ra hỏi: "Thế nào là đoạt nhân bất đoạt cảnh". Sư Lâm Tế đáp"Mặt trời phát sinh lụa trải khắp, hài nhi tóc dài trắng như tơ" các ngươi lãnh hội chăng ?
"Mặt trời phát sinh lụa trải khắp" --- là cảnh
"Hài nhi tóc dài trắng như tơ" --- là nhân
Hai câu này, một câu là tồn cảnh, một câu là đoạt nhân. Khắc Phù lại có bài tụng rằng:
"Đoạt nhân chẳng đoạt cảnh
Duyên tự dính lầm lẫn".

Đại Huệ nói: "Có gì lầm lẫn mà muốn cầu huyền chỉ, suy lường để phản trách sao ?"
Nên tin người xưa, rủ lòng từ bi thì phải có pháp, mà chẳng có pháp nào không rủ lòng từ bi. Nếu kẻ đạo nhãn chưa mở, đại pháp chưa rõ thì đâu thể tránh khỏi hướng vào miệng của người khác tìm thiền, tìm đạo, tìm huyền, tìm diệu, tìm được rồi lại e sợ người ta biết đến, khi thuyết ra lại sợ thuyết hết rồi sau này lại không có pháp để thuyết. Phải biết cái này là cái pháp vô hạn lượng mà ông muốn dùng cái tâm có hạn lượng để truy cứu là sai lầm lớn, cũng như Thế Tôn trên hội Linh Sơn trước mặt cả triệu chúng nói chánh pháp nhãn tạng (niêm hoa thị chúng) mà chỉ có một mình Ca Diếp mỉm cười đón nhận. Vậy Thế Tôn đâu có sợ người ta biết, đâu phải ở trong phòng kín bí mật truyền thọ tâm ấn đâu.
Thiền của ta ở đây chỉ cho các ngươi nghe, không cho các ngươi hiểu, như những lời giải thích "Tứ liệu giản kể trên, các ngươi cũng nghe rồi, cũng hiểu rồi, nhưng ý của Lâm Tế quả nhiên là như thế chăng ? Nếu như tông chỉ Lâm Tế quả là như thế thì há có thể truyền tới ngày nay chăng ? Nếu các ngươi nghe ta nói ra mà cho rằng chỉ là như thế, thì nay ta nói thật cho các ngươi biết, đây là ác khẩu hạng nhất, hễ còn ghi nhớ một chữ là còn nguồn gốc sanh tử. Các ngươi ở các nơi học được những huyền lại thêm huyền, diệu lại thêm diệu là phẩn thiền gì?. Xưa nay cứ trong bụng cho là có việc thật.
Chớ sai lầm các Thượng-tọa ơi !
Các ngươi nếu thật muốn tham thiền thì nên đem những gì học được ở các nơi mà quăng hết ra ngoài thế giới khác, chỉ còn lại trăm điều chẳng biết, trăm điều chẳng hiểu, trống rỗng tâm, rồi mới đến đây cùng ta lý hội. (Hết phần bình phẩm của Ngài Đại Huệ)
Cước Chú: (l) Công án của Mã Tổ: "Ba mươi năm chẳng thiếu muối tương" : Mã Tổ ngộ rồi, từ giã thầy là Tổ Hoài Nhượng về Giang Tây hoằng pháp. Năm sau, Hoài Nhượng sai tăng đi khám xét thử, dặn tăng ấy đợi khi Mã Tổ thượng đường thì ra hỏi: "Làm cái gì ?". Tăng vâng theo lời, khi đến hỏi thì Mã Tổ đáp rằng: "Từ khi nước Hồ làm loạn, ba mươi năm chẳng thiếu muối tương". Tăng về trình lại. Hoài Nhượng rất khen ngợi.


Có vị Tăng hỏi: "Thế nào là chơn Phật, Chơn Pháp, Chơn Đạo xin Sư khai thị?". 
Sư đáp: "Phật là tâm thanh tịnh, Pháp là tâm quang minh, Đạo là nơi nào cũng vô ngại. Ba tức là một, đều là giả danh mà chẳng thực có. Chơn đạo nhân niệm niệm tâm chẳng gián đoạn. Tổ Đạt Ma đến Đông Độ, chỉ tìm người chẳng bị người ta mê hoặc, sau gặp nhị Tổ chỉ nói một lời là xong ; mới biết từ trước uổng dụng công phu. Hôm nay chỗ thấy của sơn tăng cùng với chư Tổ chư Phật chẳng khác. Nếu trong câu thứ nhất lãnh hội được thì kham làm thầy cho Tổ và Phật. Nếu trong câu thứ nhì lãnh hội được, thì kham làm thầy cho cõi người cõi trời. Nếu trong câu thứ ba lãnh hội được thì tự cứu không xong".
Tăng hỏi: "Thế nào là câu thứ nhất ?"
Sư nói:
"Ấn khai tam yếu điểm son hẹp,
Chưa cho suy nghĩ chủ khách phân"

-- Thế nào là câu thứ nhì ?
Sư nói: "Diệu giải chẳng cho vấn vô trước (chấp trước), Phương tiện đâu phụ (cô phụ) triệt lưu cơ".
-- Thế nào là câu thứ ba ?
Sư nói:
"Hãy xem trên đài hát múa rối,
Kéo dây đều nhờ người bên trong".

Lại nói: "Một cú ngữ phải đủ tam huyền môn, một huyền môn phải đủ tam yếu, có quyền có thực, có chiếu có dụng các người làm sao lãnh hội !".
Ngài Lâm Tế ứng cơ thường hay dùng hét, người ta gọi là "Vào Cửa Liền Hét". Bởi trong một tiếng hét sẵn đủ tam huyền tam yếu và tác dụng chủ khách.
Sư nói: "Có khi một tiếng hét như Kim Mao sư tử cự địa (thế sắp chụp người), có khi một tiếng hét như cây trúc dọ thám hình bóng trong đám cỏ, có khi một tiếng hét chẳng cho là tác dụng một tiếng hét, các ngươi làm sao lãnh hội !".
Có một vị tăng toan tính hỏi Sư, sư bèn hét. Lúc bấy giờ, môn đồ tham học trong thiền hội đều học Sư hét, Sư nói: "Các ngươi cứ bắt chước ta hét. Nay ta hỏi các ngươi : Có một người từ bên Đông ra, một người từ bên Tây ra, hai người cùng hét một lượt, ở đây phân được chủ khách chăng ? Mà các ngươi làm sao phân biệt ? Nếu phân biệt chẳng được, thì không nên bắt chước lão tăng hét".
Một hôm, Sư thượng đường, Thủ tọa của hai đường gặp nhau đồng thời cùng hét. Tăng hỏi Sư: "Có chủ khách hay không ?"
Sư đáp: "Chủ khách rõ ràng". Xong, Sư thị chúng rằng : "Muốn lãnh hội câu chủ khách của Lâm Tế, xin hỏi hai vị Thủ tọa trong thiền đường".
*****
Một hôm, Sư thượng đường, có một vị tăng ra đảnh lễ, Sư bèn hét, vị tăng nói: "Lão Hòa Thượng chớ ló đầu là tốt".
Sư nói: "Ngươi cho là lọt vào chỗ nào ?"
Vị tăng bèn hét!. Thế rồi tăng lại hỏi: "Thế nào là đại ý Phật Pháp ?"
Sư bèn hét!. Tăng lại đảnh lễ, Sư nói: "Ngươi cho là hét tốt hay không ?"
Tăng đáp: "Thảo tặc đại bại".
Sư nói: "Lỗi ở chỗ nào ?"
Tăng nói: "Không cho tái phạm".
Sư bèn hét!. Trong Thiền hội Lâm Tế có hai bạn đồng tham, vấn đáp với nhau, một người nói: "Lìa hai cơ trung hạ, xin huynh nói một câu đi", một người nói: "Tính muốn hỏi là sai", một người nói: "Nếu vậy thì lễ bái lão huynh đi", một người nói: "Thằng cướp này". Sư nghe rồi thượng đường thăng tòa thị chúng:
"Yếu hội Lâm Tế tân chủ cú.
Vấn thủ đường trung nhị thiền khách".

Rồi xuống tòa.
*****
Sư thị chúng rằng: "Người tham học cần phải kỹ càng, như chủ khách gặp nhau thì có ngôn luận qua lại hoặc ấn vật hiện hành hoặc toàn thể tác dụng, hoặc nắm cơ quyền hỷ nộ hoặc hiện bán thân, hoặc cỡi sư tử hoặc cởi tượng vương. Như tiếng hét của người học chân chính là đưa ra cái chậu bằng mủ, thiện tri thức chẳng biết là cảnh, bèn dính mắc cảnh, họ mà làm dáng làm điệu, liền bị người học hét thêm tiếng nữa, thiện tri thức chẳng chịu buông xuống, ấy là bệnh tuyệt vọng chẳng thể trị gọi là "Khách nhìn chủ". Hoặc là thiện tri thức chẳng đưa ra vật gì, tùy chỗ hỏi của người học liền đoạt, người học bị đoạt thà chết chẳng chịu buông, ấy gọi là "Chủ nhìn khách". Hoặc có người học tỏ một cái cảnh trong sạch ra trước mắt thiện tri thức, thiện tri thức biết là cảnh, liền quăng vào hầm sâu, người học nói: "Tốt lắm thiện tri thức". Thiện tri thức liền nói: "Ngốc thay ! Chẳng biết tốt xấu". Người học bèn lễ bái, đây gọi là "Chủ nhìn chủ". Hoặc có người học còng tay còng cổ ra trước mắt thiện tri thức, thiện trí thức lại cho còng thêm một lớp, người học hoan hỷ, hai bên đều chẳng biết, ấy gọi là "Khách nhìn khách". Các Đại-đức ! Sơn tăng kể chuyện như thế đều là phân biệt ma quái để biết rõ chánh tà vậy".
*****
Sư dạy chúng rằng: "Ta có khi chiếu (chiếu soi) trước dụng sau, có khi dụng trước chiếu sau, có khi chiếu dụng đồng thời, có khi chiếu dụng chẳng đồng thời".
- Chiếu trước dụng sau là còn có người. - Dụng trước chiếu sau là còn có pháp.
- Chiếu dụng đồng thời là đuổi con trâu của người cầy ruộng, là giựt lương thực của người đói, gỡ xương lấy tủy thống hạ kim dùi.
- Chiếu dụng chẳng đồng thời là có vấn có đáp, lập khách lập chủ, nước đất hòa hợp, ứng cơ tiếp vật.
Nếu là người quá lượng (đã ngộ) thì hướng vào trước khi chưa đề ra lời nói, xách lên đi liền còn tốt một chút.
*****
Một hôm Sư thượng đường rằng: "Trên cục thịt đỏ có một chơn nhân vô địa vị, thường từ cửa mặt các ông ra vào. Kẻ chưa chứng ngộ hãy xem đi!".
Khi ấy có vị tăng ra hỏi: "Thế nào là chơn nhân vô địa vị ?"
Sư bước xuống tòa nắm chặt vị tăng ấy bảo: "Nói! nói!"
Vị tăng ấy chưng hửng, đang do dự. Sư đẩy ông ta ra, nói: "Chơn nhân vô địa vị là cục cứt khô gì ?" Rồi trở về phương trượng.
Một hôm sư thấy một vị tăng đến. Sư giơ cây phất trần lên.
Ông tăng lễ bái.
Sư bèn đánh. Sau đó lại thấy một ông tăng nữa đến. Sư cũng giơ phất trần lên.
Ông tăng không màng đến.
Sư cũng đánh.
Một vị tăng khác đến. Sư cũng lại giơ cây phất trần lên. Vị tăng này nói: "Tạ ơn Hòa-thượng khai thị !"
Sư cũng đánh.
Có một vị tăng hỏi: "Thế nào là đại ý Phật pháp ?"
Sư giơ cây phất trần lên.
Tăng bèn hét.
Sư bèn đánh .
Một vị tăng khác hỏi: "Thế nào là đại ý Phật pháp ?"
Sư cũng giơ cây phất trần lên.
Tăng bèn hét.
Sư cũng hét. Lúc ấy vị tăng do dự, sư bèn đánh.
Sư khai thị rằng: "Đại chúng, kẻ vì pháp mà chẳng tiếc thân mạng, trước kia ta ở nơi tiên sư Hoàng Bá, ba lần hỏi đại ý đích xác Phật pháp đều bị đánh cả ba lần như bị nhánh cây Hao phất qua. Hôm nay còn muốn thêm một trận, có ai vì ta mà hạ thủ chăng ?"
Khi ấy có một vị tăng ra nói: "Để con hạ thủ cho". Sư đưa cây gậy cho tăng, vị tăng đưa tay muốn lấy. Sư bèn đánh.
*****
Sư thăng tòa, có một ông tăng ra. Sư bèn hét. Vị tăng cũng hét, tăng lễ bái, Sư bèn đánh, rồi hỏi tăng rằng: "Từ đâu đến ?"
ăng đáp: "Từ Định Châu đến".
Sư lấy gậy, vị tăng do dự, Sư bèn đánh. Tăng không chịu. Sư nói: "Về sau gặp người mắt sáng sẽ biết".
Sau đó vị tăng ấy đi tham vấn Tam Thánh và kể lại việc này. Tam Thánh bèn đánh, tăng toan muốn nói, Tam Thánh đánh nữa.
Có một lão tôn túc đến tham vấn, hỏi: "Lễ bái là phải hay không lễ bái là phải ?"
Sư bèn hét. Tôn túc lễ bái.
Sư nói: "Sơn tặc này tốt".
Tôn túc nói: "Tặc, Tặc !" rồi ra đi.
Sư nói: "Chớ nên cho là vô sự".
Khi ấy thủ tọa đang đứng hầu, Sư nói với thủ tọa: "Thế có lỗi hay không ?".
Thủ tọa nói: "có".
Sư nói: "khách có lỗi hay chủ có lỗi"
Thủ tọa nói: "cả hai đều có lỗi".
Sư nói: "lỗi ở chỗ nào ?"
Thủ tọa bèn ra đi.
Sư nói : "Chớ nên cho là vô sự".
*****
Đại Giác đến tham vấn sư. Sư giơ phất trần lên, Đại Giác trải tọa cụ. Sư quăng phất trần xuống, Đại Giác thu tọa cụ, Sư kêu: "Đi tham đường đi!".
Tăng chúng thấy vậy nói: "Tăng này chắc là thân quyến của Hòa Thượng, không lễ bái mà cũng không ăn gậy".
Sư nghe rồi, cho người kêu Đại Giác, Giác đến sư nói: "Đại chúng nói: Ông không lễ bái cũng không ăn gậy, chắc là thân quyến của Trưởng lão".
Giác nghe, rồi cáo từ đi ra.
*****
Một hôm sư hỏi viện chủ "Đi đâu về ?"
Viện chủ đáp: "Đi trong phố bán gạo vàng về".
Sư nói: "Bán hết chăng ?" "Bán hết" Viện chủ trả lời.
Sư dùng cây gậy quạt một cái rằng: "Còn bán được cái này chăng ?"
Viện chủ bèn hét, Sư bèn đánh.
Kế đó điển tọa (người quản lý nhà bếp trong tùng lâm) đến, Sư kể việc này, điển tọa nói: "Viện chủ không lãnh hội được ý của Hòa Thượng".
Sư nói: "Ngươi cho là thế nào ? "
Điển tọa lễ bái, Sư cũng đánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét