"Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp
do tâm sanh. Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt
hiện sai biệt hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái
kia có và ngược lại, như lưới đế châu.
I. Nội Dung.
Nội dung kinh nầy đứng trên cảnh giới
bất tư nghì giải thoát, chư pháp thân Đại Sĩ thừa oai thần của đức Phật
tuyên dương công đức cùng cảnh giới của chư Phật và xương minh nhơn hạnh
xứng tánh bất tư nghì của chư đại Bồ Tát.
"Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp
do tâm sanh.
Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt
hiện sai biệt hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái
kia có và ngược lại, như lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với
Tâm là một, vạn pháp đồng nhất thể. Tâm thanh tịnh thì thấu đạt chơn lý
Phật tánh, suốt thông pháp giới vô ngại, thể nhập bất tư nghì giải thoát
hạnh môn. Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng-sanh thấu rõ cội
nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình
thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong
gương, như trăng trong nước. Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm
sanh. Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn
trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể
tánh của Tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả. Ðó là bản
tánh vô ngại của Tâm. Bản tánh chơn tâm suốt thâu vạn pháp hữu tình và
vô tình; lấy toàn thể pháp giới tánh làm lượng; lấy xứng tánh bất tư
nghì vô ngại giải thoát làm thể. Ðó là ý nghĩa căn cốt của Kinh Hoa
Nghiêm" (Thay Lời Tựa Kinh Hoa Nghiêm, HT. Thích Đức Niệm).II.Bốn Pháp Giới.
Kinh này gọi đủ là "Ðại Phương Quảng
Phật Hoa Nghiêm", ta quen gọi là Kinh Hoa Nghiêm. Muốn hiểu thấu phần
nào cảnh giới trên đây, người học đạo cần phải biết rõ bốn pháp giới,
bốn cấp bực mà chư đại thừa Bồ Tát tuần tự tu chứng.
1. Lý vô ngại pháp giới
2. Sự vô ngại pháp giới
3. Lý sự vô ngại pháp giới
4. Sự sự vô ngại pháp giới
1a. Thể Tánh Hư Không (Căn Bản Trí hay
Chơn Tâm). Lý vô ngại pháp giới, tức là trong vũ trụ tất cả pháp của mọi
vật đều có thể tánh hư không, tất nhiên chúng dung thông lẫn nhau trong
hư không. Thí dụ, nhãn căn, mắt thấy con bò là thấy hình ảnh (thể hư
không hay thể không) ở võng mạc mắt mà thôi. Lục căn tiếp xúc với lục
trần sanh ra lục thức; lục thức hay tâm thức là thể không. Tất cả vạn
pháp (tánh không của vạn vật) đều là thể tánh hư không nên chúng đương
nhiên là phải dung thông vô ngại.
1b. "Lý" tức là chơn lý thật tánh, là
thể tánh chơn thật của tất cả pháp, nên cũng gọi là pháp tánh hay pháp
giới tánh, chơn như tánh. Tất cả pháp trong vũ trụ đều đồng một thể tánh
chơn thật ấy. Thể tánh ấy dung thông vô ngại, nên gọi là "Lý vô ngại
pháp giới". Người chứng được lý vô ngại này chính là bực thành tựu căn
bổn trí, mà bắt đầu dự vào hàng pháp thân Bồ Tát.(HT.Thích Trí Tịnh)
2a. Tướng Hư Không (Sai Biệt Trí hay thể
không của hiện tượng). Sự vô ngại pháp gìới, tức mỗi một vật (hiện
tượng) đều chiếm trong hư không một dung tích, ta gọi dung thể không hay
tướng hư không của vật đó, ngay cả những sự chuyển động, hơi, không khí
của mùi vị, ý thức (trong tâm trí, tâm khảm) cũng có phần chiếm hữu
không gian. Nên mọi sự (lục trần) đều có thể tướng hư không, tất chúng
cũng dung thông vô ngại.
2b. Tất cả pháp "Sự" đều đồng một thể
tánh chơn thật, tức là đồng lấy pháp tánh làm tự thể. Toàn thể "Sự" là
pháp tánh, mà pháp tánh đã viên dung vô ngại, thời toàn sự cũng vô ngại,
nên gọi là "Sự vô ngại pháp giới". Người chứng được pháp giới này chính
là bực pháp thân Bồ Tát thành tựu sai biệt trí (cũng gọi là quyền trí,
tục trí, hậu đắc trí).(HT. Thích Trí Tịnh)
3a. Căn Bản Trí và Sai Biệt Trí dung
thông vô ngại. Vì căn bản trí hay lý tánh là "thể hư không," còn thủy
giác là "tướng hư không" của hiện tượng. Cho nên tướng hư không của hiện
tượng dể dàng hòa nhập thề tánh hư không. Vậy, lý sự dung thông vô
ngại.
3b. Lý là thể tánh của "Sự" (tất cả
pháp), "Sự" là hiện tượng của "Lý tánh". Vậy thời lý tánh tức là lý tánh
của sự, còn sự lại là sự tướng của lý tánh. Chính Lý tánh là toàn sự,
mà tất cả sự là toàn Lý tánh, nên gọi là "Lý sự vô ngại pháp giới".
Người chứng được lý sự pháp giới này thời là bậc pháp thân Bồ Tát đồng
thời hiển phát cả hai trí (căn bổn trí và sai biệt trí).(HT. Thích Trí
Tịnh)
4a. Các Tướng Hư Không đều dung thông vô
ngại. sự sự vô ngại pháp giới là các tướng hư không của các hiện tượng
đều dung thông với nhau. Do đó có thể nói một sự vật nào (tướng hư
không) đều dung nhiếp hay hòa nhập vào tất cả sự vật, và tất cả sự vật
cùng dung nhiếp vào một sự vật, vì là các tướng hư không nên không ngại
hòa nhập vào thể hư không dễ dàng.
Tất cả sự đã toàn đồng một thể tánh mà
thể tánh thời dung thông không phân chia riêng khác, nên bất luận là một
sự nào cũng đều dung nhiếp tất cả sự, và cũng đều tức là tất cả sự, một
sự nhiếp và tức tất cả sự, tất cả sự nhiếp và tức một sự. Thế là sự sự
vô ngại tự tại, nên gọi là "Sự sự vô ngại pháp giới". Người chứng được
Sự sự pháp giới này là bực pháp thân Bồ Tát thành tựu nhứt thiết chủng
trí. Viên mãn trí này chính là Ðấng Vô Thượng Giác (Phật Thế Tôn ).
Sự sự vô ngại pháp giới dung thông tự
tại, nội dung của toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm, được chứng minh trên toàn thể
văn Kinh này. Nay xin lược dẫn một vài đoạn văn rõ nhứt để chư học giả
tiện tham cứu:
Sự sự là tất cả sự hoặc là tất cả pháp, tức là toàn thể không gian và thời gian.
Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ
tâm sanh. Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm
gọn trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể
tánh của Tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả. Ðó là bản
tánh vô ngại của Tâm. Bản tánh chơn tâm suốt thâu vạn pháp hữu tình và
vô tình; lấy toàn thể pháp giới tánh làm lượng; lấy xứng tánh bất tư
nghì vô ngại giải thoát làm thể. Ðó là ý nghĩa căn cốt của Kinh Hoa
Nghiêm. (HT. Thích Trí Tịnh)
III. Pháp Thể Nhập Căn Bản Trí.
Như đã trình bày, Sai Biệt Trí hay Giác
Trí là tiến trình tri nhận đầu nguồn của Giác Thức Đang Là, cũng là Nhất
Nguyên Tính Tương Đối của Trí Thức hay Tư Tưởng. Nhất Nguyên là vì khi Ý
Tác Động của Căn (Ý thức) tiếp xúc với đối tượng (thực tại giả lập),
thành Giác Thức (hay Tâm Thức), lập tức được Ý Tác Năng (Ý Trí) ý niệm
hóa Giác Thức thành Giác Trí (hay Tâm Trí hay Trí Sai Biệt). Tâm Thức và
Tâm Trí cùng một Tâm. Thức chuyển thành Trí. Giác Trí Đang Là (Sai Biệt
Trí), dù nằm trong đạo lý nhất nguyên, nhưng nó cũng huyễn hóa theo
thời gian. Cái Đang Là là sự nối tiếp những điểm sát na sanh diệt liên
tục. Dòng Giác Trí ấy trôi chảy làm cho Trí và Thức liên hợp sanh ra Tư
Tưởng. Còn tư tưởng là còn có sự thay đổi, nên chưa phải là chân lý.
Chân lý thì thường hằng bất biến. Do dó Giác Trí Đang Là thuộc diện
tương đối;
Căn Bản Trí hay Giác Trí Tuệ hay cái Trí
Nguyên Sơ được nhận thức ngay nơi thực tại điểm khởi đầu tiến trình của
động tác Giác Trí Đang Là, cũng là Nhất Nguyên Tính Tuyệt Đối của Năng
Sở song vong và vô Thời Không. Vậy Căn Bản Trí là Chân lý tối hậu hay Tự
tính tuyệt đối, hay đạo lý Nhất nguyên tuyệt đối là Nhận thức vượt Thời
Không, là Tánh Giác hay Tánh Không. Vậy muốn có Sai Biệt Trí, và Căn
Bản Trí, cần nhắc lại sự hình thành Thức, Trí, và Tri Thức Nguyên Thủy,
hay phân biệt rõ ràng Sai Biệt Trí và Căn Bản Trí.
- a). Nhận Thức (Perception).
Khi chúng ta cảm giác hình ảnh sự vật
thì lúc đó chúng ta mới nhận biết được (perceive) tên sự vật. Sự vật có
tên mà ta nhận thức đó là GIÁC TH¬¬ƯC (hay Tâm Thức: Consciousness hay
Perception) chạy dài theo thời gian. Khi nhận thức ngay niệm đầu một sát
na và không có kéo dài thời gian nữa là ta có giác thức nguyên sơ (niệm
đầu) hay là chơn thức (pure perception or true consciousness). Hình ảnh
con bò là thể không, được nhận thức bởi tâm trí (tâm trí cũng cùng thể
không.) Tâm và vật đồng thể không, nên sự nhận thức mới thành hình. Lục
căn phối hợp với lục trần (thể không) sanh ra lục thức. Lục thức không
có thực thể, Phật gọi là lục tặc, vì thức là nghiệp. Dòng tâm thức luôn
trôi chảy không ngừng nghỉ. Nó không có khởi điểm cũng như kết thúc và
nó dính nhiều pháp trần làm cho dòng tâm thức luôn ô nhiễm và vẩn đục.
- b). Sai Biệt Trí hay Tri Thức hay Giác Trí (Cognition).
Trong đời sống hằng ngày, ta thường cảm
nhận sự vật bằng ngũ giác quan chỉ thấy hình ành sự vật và biết được tên
sự vật bằng nhận thức. Khi ta tri nhận (cognize) sự vật đã nhận thức,
ta có tri thức (Cognition). Trong quá trình tri nhận sự vật trong hiện
tại (Với cảm giác), quá khứ hay tương lai (với ý thức), cả ba thời chúng
ta tri nhận được sự vật mới có GIÁC TRÍ (hay Tâm Trí hay Sai Biệt Trí).
Giác Trí nầy là Tư Tưởng, Suy Nghĩ, Lý Luận v.v. theo thời gian. Nó là
sự lập lại của tâm thức hay tri nhận các thức nên nó tạo ra nghiệp thức.
Nên ta có thể gọi là tâm duyên ý mã vì tư tưởng chúng ta lúc nào cũng
ẩn hiện trong tâm trí từng giây từng phút liên tục, chỉ trừ có những
động lực khác hay pháp môn có khả năng chận dừng được vọng tưởng đó.
- c). Căn Bản Trí hay Giác Trí Tuệ (Pure Cognition).
Khi Phật thành đạo là do đạt được Trí
Tuệ hay Giác Trí Tuệ hay Căn Bản Trí thì các pháp giải thoát được thiết
lập thực hành Căn Bản Trí trong các thời thiền tập. Thực ra Căn Bản Trí
có thể thực hiện trong tứ oai nghi. Vậy Giác Trí Tuệ là tri nhận đầu
nguồn của Giác Trí và xa lìa nó ngay. Nói rõ hơn là khi chúng ta nhận
thức niệm đầu của Cảm Giác (Sensation) để có Giác Thức nguyên sơ (Pure
Perception hay first consciousness), lập tức tri nhận Giác Thức nguyên
sơ ấy để được Giác Trí hay Sai Biệt Trí (Cognition là Giác Trí có thời
gian) và xa lìa giác trí ngay mới có Giác Trí Tuệ hay Căn Bản Trí (Vô
thời gian). Vì Căn Bản Trí là Tri Thức Nguyên Thủy (Pure Cognition) của
Chân Trí (Vô thời không). Thí dụ, chúng ta thấy con voi là giác thức hay
tâm thức, vì thấy hình ảnh đối tượng hay con vật trước (Cảm Giác) rồi
nhận thức (perceive) con vật đó là con voi (hay biết được là con voi,
biết nầy thấy biết của căn, luôn luôn đi kèm theo cảm giác, nên thấy con
voi, biết tên đối tượng là cái thức hay tâm thức hay giác thức. Nên
thức là thực tại duyên khởi hay giả danh mà thôi). Rồi chúng ta tri nhận
(dùng ý trí) giác thức ấy để có giác trí hay sai biệt trí. Vậy khi
chúng ta nhận thức niệm đầu của con voi (thấy biết con voi đầu tiên) là
ta có giác thức nguyên sơ, lập tức ta tri nhận (Hay Biết: Cognize chớ
không phải là perceive) giác thức nguyên sơ ấy để có căn bản trí hay
giác trí tuệ và phải xa lìa cái biết ấy nữa thì mới có căn bản trí toàn
diện.
- d). Thể Nhập Căn Bản Trí
Như đã trình bày, muốn thể nhập Căn Bản
Trí (Hư Không) từ Sai Biệt Trí (Tướng Hư Không), chúng ta tri nhận Sai
Biệt Trí ngay niệm đầu và liền xa lìa nó ngay, tức là đưa "tướng hư
không" hòa nhập vào thể "hư không vô tận", nói khác đi là đưa tát cả sai
biệt trí hòa nhập vào căn bản trí. Thí dụ, thấy con bò, ta biết có tánh
thấy thôi (không trụ hay lập lại con bò nữa) rồi tiếp tục từng đối
tượng khác.Vì tánh cách tướng không của sự vật, nên đối tượng tự nhiên
hay chúng ta tạo ra để quán dung thông và hòa nhập vào hư không dể dàng.
Nói rõ hơn là ngay đầu nguồn cuả sai biệt trí dể có căn bản trí tại đó
là lúc đó và xa lìa cái trí đó. Bởi vì nhận thức một điểm trong dòng lưu
chuyển của sai biệt trí là ta có căn bản trí rồi, rồi an trụ nó như
cách trên. Thực tại điểm đó vô thời không cho nên không có tư tưởng,
khái niệm gì v.v., nó là nó là chơn tâm.
IV. Kết Luận
Kinh Hoa Nghiêm này đã hoàn toàn ở trong
lảnh vực xứng tánh bất khả tư nghì giải thoát mà xương minh, nên mỗi
lời mỗ câu trong kinh lấy toàn thể pháp giới tánh làm lượng. Đã là toàn
thể pháp giới tánh nên tất cả Giáo, Lý, Hạnh, Quả nơi đây đều dung thông
vô ngại, nên cũng gọi là vô ngại pháp giới. Từng bực cứu cánh của vô
ngại pháp giới là sự sự vô ngại chỗ chứng nhập hoàn toàn của chư Phật mà
chư pháp thân Bồ Tát thời được từng phàn.Tất cả cảnh giới đều phat xuất
từ Chơn Tâm hay Căn Bản Trí. "Chơn Tâm vốn thanh tịnh, đầy đủ và trọn
sáng, nhưng cũng có nhiều diệu dụng, trong số đó có hai diệu dụng dưới
đây là quan trọng nhứt:
a) Diệu dụng năng sanh tạo ra thế giới, sum la vạn tượng.
b) Diệu dụng cứu độ, hướng về việc thực hành các đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền nhằm cứu vớt chúng sanh.
Cái nhìn viên dung bắt nguồn từ Chơn Như
trong sáng, dung nhiếp tất cả vật trong vũ trụ, thu nạp hình ảnh của
vạn vật trong cái gương như thể tánh của nó, và chính nhờ cái nhìn viên
dung ấy mà chúng ta mới thấy rằng vạn pháp sai biệt cùng phát xuất từ
Chơn Như" (L.H. Tịnh Huệ). Kinh Hoa Nghiêm nhằm xiển dương cái lý viên
thông vô ngại của Phật Pháp, suốt quá trình tu tập gồm 4 giai đoạn Giáo,
Lý, Hạnh, Quả. Pháp học đầy đủ, thông suốt bốn pháp giới như trên, giữ
giới hạnh nghiêm minh, thể nhập căn bản trí là Pháp thành của các Bồ Tát
vậy.
Tham Khảo
Kinh Hoa Nghiêm. HT. Thích Trí Tịnh Việt dich từ Hán tạng, trong Tủ Sách Phật Học, website Quang Đức:
http://www.quangduc.com
Kinh Hoa Nghiêm Luận Giải, 2001. L.H. Tịnh Huệ.
Tác giả: Phổ Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét