Một thời, Thế Tôn trú tạiVesàli, dạy các Tỷ kheo:
Có ba việc này, này các Tỷ kheo, một nông phu cần phải làm trước. Thế nào là ba?
Người nông phu trước hết phải khéo cày bừa. Cày bừa xong người ấy gieo
hạt đúng thời. Gieo hạt đúng thời xong người ấy cho nước chảy vô chảy ra
đúng thời. Ba việc này, này các Tỷ kheo, một nông phu cần phải làm
trước.
Cũng vậy, này các Tỷ kheo, có ba công việc này, một Tỷ kheo cần phải làm trước. Thế nào là ba?
Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng tâm học, thọ trì tăng
thượng tuệ học. Ba công việc này, này các Tỷ kheo, một Tỷ kheo cần phải
làm trước.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Sa môn, phần Nghề nông [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.416)
LỜI BÀN:
Mỗi người đều có vô vàn công việc, từ chuyên môn cho đến những
chuyện vụn vặt, từ những việc làm có lợi ích thiết thực ngay hiện tại
cho đến sẽ hữu ích trong tương lai… Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi
người với vai trò khác nhau phải xác định được những việc chính yếu cần
làm ngay để hoàn thành trách nhiệm với tự thân và xã hội.
Với người nông dân thì vụ mùa bội thu là phần thưởng xứng đáng cho
những nỗ lực cày bừa, gieo hạt, chăm sóc… trước đó. Sau vụ mùa, người
nông dân có thể làm một nghề tay trái nào đó để cải thiện, tăng thu nhập
nhưng trong chính vụ mà lơ là hoặc không tập trung cho công việc đồng
áng thì không nên.
Đối với người tu Phật cũng vậy, thành tựu Tam vô lậu học
Giới-Định-Tuệ là trọng tâm của sự nghiệp tu tập giải thoát, vì thế ba
môn học vô lậu này phải được ưu tiên hàng đầu. Giới-Định-Tuệ là cốt tủy,
xương sống của mọi pháp môn tu tập Phật giáo. Dù Phật giáo có vô lượng
pháp môn nhưng nếu nhân danh tu tập theo Phật mà thiếu vắng hoặc trống
rỗng về Giới-Định-Tuệ thì xem như đang ở bên ngoài Chánh pháp.
Mặc dù tinh thần phương tiện cho phép người tu tùy duyên thực hành
mọi việc lành để lợi ích cho chúng sanh nhưng phải xác định rõ ràng giữa
cứu cánh và phương tiện. Cứu cánh là giải thoát, tức thành tựu viên mãn
về Tam vô lậu học Giới-Định-Tuệ. Tinh thần phương tiện đúng đắn của
Phật giáo chính là thông qua phương tiện sẽ trui rèn ý chí, mài giũa
nhân cách và làm hiển lộ cứu cánh nội tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt,
từ bi tràn đầy. Nếu vận dụng phương tiện trong quá trình tu học mà
không đem đến “lợi mình, lợi người, lợi cả hai” lại còn tăng trưởng
phiền não, ngã chấp, tham ái… thì chắc chắn đó không phải là phương tiện
thiện xảo.
Việc đáng làm thì chưa làm hoặc làm chưa trọn, việc làm trước thì
lại làm sau… phải chăng đây là điều mà những hành giả cần phải suy ngẫm
trước vô vàn “Phật sự” bộn bề. Vì thế, xác định đúng vấn đề là chính yếu
hay thứ yếu để thực hành là sự trạch pháp, một trong những yếu tố căn
bản đưa đến thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét