Một thời, Thế Tôn trú tại Veluvana, dạy các Tỳ kheo:
Có năm nguy hại này, này các Tỳ kheo, nếu sống quá lâu tại một chỗ. Thế nào là năm?
Xan tham đối với trú xứ, xan tham đối với gia đình, xan tham đối với đồ
vật cúng dường, xan tham đối với công đức, xan tham đối với pháp.
Có năm lợi ích này, này các Tỳ kheo, nếu sống đồng đều tại mỗi chỗ. Thế nào là năm?
Không xan tham đối với trú xứ, không xan tham đối với gia đình, không
xan tham đối với đồ vật cúng dường, không xan tham đối với công đức,
không xan tham đối với pháp.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Du hành dài, phần Sống quá lâu một nơi, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.725)
LỜI BÀN:
Một trong những đặc điểm của đời sống chư Tăng là du hành. Không
nhà cửa, tài sản, vợ con đã đành lại không sống lâu ở một nơi nhằm buông
xả, tránh dính mắc, luyến ái với mọi thứ. Ngay cả gốc cây mà vị Tăng an
trú trong rừng cũng được Thế Tôn khuyến cáo không nên trụ quá ba đêm,
huống gì nhà cao cửa rộng, chùa to Phật lớn. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên
khi chư Tăng thường hay di chuyển, thay đổi trụ xứ, thong dong với “Một
bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa, mắt trong xem trần thế, mây
trắng hỏi đường qua”.
Con người thích hoài niệm, luyến tiếc quá khứ nên rất khó quên và
xả ly những gì mình đã từng dày công vun đắp, gầy dựng, gắn bó và thân
thương. Cố nhiên đó không phải là điều xấu nhưng mến thương, lưu luyến
nhiều cũng chưa phải là điều hay, nhất là đối với những ai nguyện hướng
đến buông xả, thảnh thơi và tự tại. Suốt một cuộc đời ta chuyên tâm làm
điều thiện như tu niệm, xây chùa, dựng tháp, giáo hóa đồ chúng, với biết
bao công đức và phước báo. Rồi trước những thành công cùng với cung
kính, ca ngợi, tán dương ấy ta có đủ bản lĩnh và tỉnh táo để vô chấp,
khước từ, ra đi không lưu lại dấu vết như “nhạn quá trường không”?
Xây dựng thiện nghiệp vốn cực kỳ khó nhưng từ bỏ nó để đi đến tuyệt
cùng xả buông cũng chẳng dễ tí nào. Vì thế, không ít người dám vượt qua
Hóa thành để thong dong về Bảo sở. Tham ái theo dục vọng tầm thường hay
tham ái thiện nghiệp dù khác nhau nhưng xét cho cùng cũng vẫn là tham,
mà đã là tham thì chưa giải thoát.
Xuất gia là ra đi, một cuộc chia tay, ly tham, khước từ vĩ đại nhất
đối với hết thảy: làm tất cả điều thiện, lợi ích mà không chấp thủ;
không bị dính mắc, trói buộc và buông bỏ tất cả. Vẫn biết “có an cư mới
lạc nghiệp” song ý nghĩa đích thực của an cư là trạng thái tâm xa lìa
hoàn toàn tham ái và chấp thủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét