Con người trong quá trình hoạt động, đảm bảo sự tồn tại và
phát triển của mình, đã phải tự tổ chức thành hệ thống xã hội để có đủ
sức mạnh nhằm thỏa mãn tốt những nhu cầu sống cấp thiết và chống chọi
được với những đe dọa, rủi ro từ thiên nhiên. Để có sức mạnh, hệ thống
xã hội phải duy trì một trật tự thứ bậc và chức năng để giúp nó vận hành
như một cơ thể sống. Từ đó, những hoạt động của con người trong khuôn
khổ hệ thống xã hội cho sự tồn tại và phát triển của mình cũng là những
hoạt động nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của hệ thống, tức nhằm
thiết lập và duy trì tính trật tự của nó. Những hoạt động này và sản
phẩm của chúng chính là văn hóa, có chức năng thỏa mãn những nhu cầu đa
dạng của con người và của hệ thống xã hội.
Trong vô số những nhu cầu của con người mà văn hóa phải thỏa mãn có
những nhu cầu như tránh mọi tai ách đến từ bên ngoài, giải thoát khỏi
những tai ách bên trong như đau khổ, già lão, bệnh tật và cái chết. Để
đáp ứng những nhu cầu này, con người cảm thấy phải cầu thêm sức mạnh của
những lực lượng siêu nhiên dưới dạng những thần linh tưởng tượng và cả
linh hồn tổ tiên, duy trì quan hệ thân thiện với họ để mong mỏi được cứu
giúp. Xa hơn, con người có nhu cầu hiểu biết về nguồn gốc bản ngã và vũ
trụ, về ý nghĩa đích thực của cuộc sống và nhu cầu đạt tới hạnh phúc
trọn vẹn và vĩnh hằng. Từ đó, những tư duy triết học, tâm linh của con
người đã dẫn tới một thực tại tối hậu thiêng liêng hay một thực thể tối
linh (linh thể), khác nhau ở những tôn giáo khác nhau, mà người ta cho
là nguồn gốc của thế giối hiện tượng và mọi sức sống trong đó, nền tảng
của mọi chân lí, mọi giá trị và ý nghĩa, không tùy thuộc vào bất cứ cái
gì, và đưa tới quan niệm con người có thể tìm cách hòa nhập, đồng nhất
với linh thể để đạt tới cuộc sống viên mãn đời đời. Mặc dù không thể
trải nghiệm để khẳng định hay bác bỏ sự tồn tại thật sự của linh thể để
tin hoặc không tin, nhưng người ta vẫn cho rằng cách có lợi nhất là chấp
nhận trong tâm thức theo cách tiên nghiệm (à priori), thừa nhận không
thể giải thích bằng kinh nghiệm. Những nhu cầu của con người mà phải nhờ
đến lực lượng siêu nhiên tham gia đáp ứng đều là nhu cầu tâm linh.
Những nhu cầu cá nhân của con người, dù là nhu cầu tâm linh, thực chất
cũng là những nhu cầu xã hội biểu hiện ra nơi cá nhân một khi con người
sống theo tổ chức của hệ thống xã hội. Vì vậy các tôn giáo ra đời nhằm
đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người thực chất cũng là nhằm đáp ứng
nhu cầu tồn tại, ổn định và phát triển của các hệ thống xã hội.
Các nhu cầu đa dạng luôn nẩy sinh của con người liên quan khăng khít
nhau, phân ra chính phụ và sắp xếp thứ tự như một cái cây, do vậy văn
hóa cũng theo đó mà phân nhánh. Tôn giáo chính là một nhánh lớn của cây
văn hóa, đáp ứng những nhu cầu tâm linh của con người. Khi đã tin theo
một tôn giáo, con người sẽ dấn thân vào lĩnh vực của linh thể tương ứng,
và niềm tin tôn giáo được thể hiện trong tư duy, hành động và cả trong
một số" hình thái xã hội. Để phục vụ cho công cuộc dấn thân và thực hiện
niềm tin tôn giáo, con người đã sáng tạo và sử dụng rất nhiều phương
tiện văn hóa. Những sản phẩm văn hóa tâm linh này là một hệ thống biểu
tượng vừa mang cốt sắc của tôn giáo tin theo, vừa mang sắc thái văn hóa
của cộng đồng thực hành tôn giáo đó. Chính qua đó mà tôn giáo đã góp
phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa nhân loại, kể cả một số
nền văn minh cổ xưa. Phần lớn những kiệt tác văn hóa của nhân loại trong
quá khứ thuộc các lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, hội họa và cả thi ca
là kiệt tác tôn giáo hoặc gắn với tôn giáo.
Trong quá trình hoạt động văn hóa nhằm đáp ứng những nhu cầu tâm
linh, các dân tộc Phương Đông, tùy vào hoàn cảnh xã hội-lịch sử, điều
kiện địa lí và nhận thức, đã đi theo những con đường tâm linh khác nhau
mà Phật giáo là một trong số đó.
Nguyên thủy, Phật giáo là học thuyết vô thần của Đức Phật (Bậc Toàn
Giác) Thích Ca Mâu Ni về con đường dẫn đến giải thoát. Với giáo lí Duyên
Khởi cho rằng mọi sự vật, hiện tượng đều do duyên mà phát khỏi, do đó
đều liên thuộc, quy định lẫn nhau (duyên là những điều kiện giúp cho
nhân làm phát sinh ra quả, thí dụ, hạt giống là nhân, đất, nước, ánh
nắng, phân bón là duyên, cây trái là quả; không có nguyên nhân đầu tiên
(hạt giống cũng là quả của nhiều nhân khác), do đó không có cái gì thuần
túy là nhân hay là quả), Đức Phật đi tới kết luận vô thường (không có
gì thưòng hằng và tuyệt đối, mọi thứ đều do duyên mà biến đổi không
ngừng: sinh, thành, trụ, hoại) và vô ngã hoặc tính không (con người và
mọi sự vật đều không có tự tính, không có đấng sáng tạo tối cao và cũng
không có linh hồn bất diệt). Áp dụng đối với nhân sinh, Ngài đã nêu ra
Ngũ uẩn (năm yếu tố tạo thành thế giối sự vật hiện tượng đối với con
người), Thập nhị nhân duyên (12 duyên cố chế định lẫn nhau tạo thành
vòng luân hồi đau khổ của cuộc đời) và 4 chân lí Tứ Diệu đế (Khổ đế, Tập
đế, Diệt đế và Đạo đế) về sự khổ, nguồn gốc khổ, sự diệt khổ và con
đường tu tập (Bát chính đạo) để giải thoát. Học thuyết của Đức Phật chỉ
ra con đường cứu vốt chúng sinh đau khổ, không phân biệt giai tầng đẳng
cấp và giối tính, vì vậy được những bậc trí giả tin theo và qua họ mà đi
vào quần chúng bình dân.
Về sau, trong quá trình lan truyền ra toàn Ấn Độ rồi ra hầu khắp Châu
Á, Phật giáo có nhiều cải biến linh hoạt, giao hòa với văn hóa tâm linh
bản địa, để thích ứng với hoàn cảnh văn hóa-xã hội của từng không gian
địa lí và với từng giai đoạn phát triển của mỗi nơi. Năng lực thích nghi
cao của Phật giáo có được là nhờ bản chất từ bi và trí tuệ của tôn giáo
này, dẫn tới sự nhập thế và chia sẻ trách nhiệm với hệ thống xã hội,
chẳng hạn qua việc khuyên răn và hướng dẫn tín đồ sống đạo đức (Ngũ giới
và kinh Pháp cú). Nhờ đó, Phật giáo có thể chung sống hoà bình và trong
nhiều trường hợp vẫn phát triển trong sự cạnh tranh của một vài tôn
giáo khác. Qua thực tế tầng lớp cầm quyền ở nhiều quốc gia Châu Á xưa,
chúng ta có thể thấy rằng sự đa dạng tôn giáo là cần thiết vì không
những đáp ứng được những nhu cầu tâm linh và xã hội khác nhau, mà quan
trọng hơn nó còn là tác nhân giúp giữ vững trật tự và ổn định xã hội.
Chẳng hạn như trong bài tựa quyển sách Thiền tông chỉ nam ca vua Trần
Thái Tông đã viết: “Cái phương tiện để mở lòng mê muội, cái đường lối để
rõ lẽ tử sinh, ấy là giáo hóa của Đức Phật. Làm cán cân chuẩn mực cho
hậu thế, làm khuôn phép cho tương lai, ấy là trọng trách của Đức Thánh
(Khổng Tử)... Trẫm nay phải lấy trách nhiệm của Đức Thánh làm trách
nhiệm của mình, lấy lời dạy của Đức Phật làm lời dạy cho mình”.
Cũng do nhu cầu thích ứng và phát triển mà về sau Phật giáo chuyển
sang xu hướng tâm linh, thần thánh hóa Đức Phật, đưa đến hình thành vũ
trụ quan Phật giáo và cho thấy có thể đi tới giải thoát bằng những con
đường tu tập khác nhau. Đến nay có thể phân biệt ba dòng chính:
- Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), thịnh hành ở Sri Lanka và Đông Nam Á, còn gọi là Nam tông.
- Đại thừa (Mahayana), thịnh hành ở Đông Bắc Á, còn gọi là Bắc tông.
- Kim Cương thừa (Vajrayana) hay Mật tông thịnh hành chủ yếu ở Tây Tạng (Trung Quốc), Nhật Bản.
Ở Việt Nam, do vị trí địa lí, xuất hiện phần lớn các yếu tố của cả ba
dòng. Ban đầu yếu tố Mật tông ít nhiều pha trộn vào yếu tố Thiền của
Đại thừa, chính xác hơn, “Dòng Thiền Tì Ni Đa Lưu Chi và cả Thiền phái
Trúc Lâm từ Tổ thứ hai Pháp Loa mang đậm màu sắc Mật giáo, do tín ngưỡng
Mật giáo rất gần gũi với tín ngưỡng dân gian mang tính cách phương
thuật và nhân dân chỉ tin theo Phật giáo khi tôn giáo này có đủ sức mạnh
thu phục các thần linh địa phương và bảo vệ chở che cho họ trong đời
sống hàng ngày”[1]. Dần về sau (từ thế kỉ XIV-XV)
Tịnh Độ tông phát triển mạnh và chiếm ưu thế vì giáo lí Tịnh Độ tông dễ
hiểu, dễ thực hiện, gần gũi với tâm thức quần chúng bình dân, và Thiền
chuyển sang kết hợp với Tịnh Độ tông.
Ở những quốc gia theo Phật giáo nguyên thủy, người ta quan niệm
phương cách để đạt tới giải thoát là làm theo những lời dạy của Đức
Phật, lấy cuộc đời và phẩm hạnh của Đức Thích Ca Mâu Ni và trong các
tiền kiếp của Ngài (được kể trong kinh Bổn sinh) làm mô hình kiểu mẫu
của chúng sinh. Những người xuất gia hiến mình hoàn toàn cho sự nghiệp
tu hành với hi vọng sẽ đạt tới Niết Bàn, những cư sĩ tuy không có hi
vọng đó nhưng vẫn có thể dấn thân trên con đường tu tập để vun trồng
thiện tâm và cuộc sống đạo hạnh, xây đắp công quả để giảm bớt nghiệp và
hi vọng hưởng một cuộc sống hạnh phúc như ý trong kiếp sau, sau nhiều
kiếp tu tập cũng có thể quả vị viên mãn, đạt tới Niết Bàn. Vì cùng là
những phần tử trong một hệ thống xã hội nên giữa hai tầng lớp này có sự
phân công chức năng và có sự liên thuộc nhau: Các cư sĩ cúng dường các
nhà sư mọi thứ cần thiết để họ chuyên tâm tu hành; các nhà sư giúp cộng
đồng cư sĩ thực hành đời sống tâm linh, giảng giải cho họ về giáo lí và ý
nghĩa kinh kệ; chùa cũng làm thêm chức năng của trường học và trung tâm
sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. Hệ thống xã hội nhờ thế duy
trì được trật tự, ổn định và phát triển.
Sự cải biến nổi trội nhất của Phật giáo thể hiện ở sự xuất hiện giáo
lí Đại thừa, được xây dựng trên cơ sở niềm tin có một con đường giải
thoát cho tất cả mọi người, không riêng gì những ai từ bỏ cuộc sống gia
đình và hiến mình cho công việc tu hành trong thiền viện, vì tất cả
chúng sinh đều có Phật tính (khả năng giác ngộ để thành Phật) và chỉ cần
giúp họ gạt bỏ vô minh là họ có thể tự giác tu tập để đạt tới giải
thoát, tức đạt tới Niết Bàn, ở ngay thế giới này. Giáo lí Đại thừa quan
niệm sự vô minh nằm ở chỗ con người tin rằng mọi sự vật, hiện tượng có
bản chất thật, từ đó nảy sinh tham muốn (ái dục) - nguồn gốc của khổ
đau, phiền não. Nếu giúp họ thấy được bản chất giả tạo của chúng (sắc là
không, không là sắc: mọi thứ (sắc) thành hình do duyên khởi, không có
tướng thật, sẽ biến đổi và hoại diệt, tức là không nằm ngay trong sắc và
cũng chính vì thế mà có thể hiển thị ra sắc ở muôn hình ngàn vẻ) thì
con người sẽ giảm bớt dính mắc vào chúng, ít đi dục vọng và từ đó giảm
bớt khổ đau. Để giúp con người đẩy lùi vô minh, tiến nhanh đến giải
thoát, Đại thừa đề cao hạnh Bồ Tát: lòng từ bi dựa trên căn bản của trí
tuệ cứu độ tất cả chúng sinh bằng cách làm cho họ thức tỉnh. Sự cải cách
quan trọng này nhằm biến Phật giáo ban đầu là đạo của những bậc trưởng
lão thành đạo của cả tu sĩ lẫn quần chúng cư sĩ, vì không đòi hỏi họ từ
bỏ đời sống gia đình và trách nhiệm công dân để lánh mình trong tự viện,
không đòi hỏi họ phải tự trải qua những bưốc tu tập khó khăn mà chỉ cần
biết trừ bỏ những mê lầm thì sẽ đạt tới Niết Bàn hoặc duy trì cuộc sống
đạo đức, hành thiện và luôn thành tâm trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà
sẽ được tiếp dẫn sang cõi Tịnh Thổ cực lạc sau khi chết. Hơn thế nữa,
cải cách này còn làm cho xã hội trật tự và ổn định hơn vì một khi con
người ngộ được bản chất giả tạo của vạn hữu thì sẽ từ bỏ những ham muốn
vô chừng, những tầng lớp bần cùng ở đáy xã hội thì có niềm hi vọng được
các Bồ Tát - những vị Phật tình nguyện ở lại cõi trần với chúng sinh -
cứu vốt chỉ đường trong cơn nguy khốn, người phụ nữ được đặt ngang hàng
với nam giối (kinh Thắng man) trong bối cảnh xã hội cổ xưa vốn trọng
nam, khinh nữ, và nhất là khuyến khích con người sống từ bi cứu giúp lẫn
nhau và tránh sát sinh. Tư tưởng từ bi hỉ xả này phù hợp với khát vọng
sống yên vui trong một xã hội không có cái ác, sống hòa bình hữu nghị
giữa các cộng đồng, dân tộc và với nỗ lực hiện nay của các chính phủ và
các tổ chức môi trường bảo vệ đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của
trái đất. Chính nhờ vậy mà Phật giáo Đại thừa từ xưa đến nay được đông
đảo quần chúng tin theo, được các giối cầm quyền nói chung tán đồng và
nâng đỡ, các Tăng Ni được kính trọng trong vai trò xã hội của những bậc
tự giác giác tha và lợi tha (giác ngộ cho chính mình và cho người, đem
lại lợi lạc cho người khác).
Kim Cương thừa, một biến thể của Đại thừa, đã tạo ra cầu nối giữa thế
giối hiện tượng của các giác quan với thế giối tuyệt đối vô tướng với
quan niệm cho rằng toàn thể các vũ trụ linh thiêng, được đại diện bởi
các vị Phật, Bồ Tát và các thần linh, đều được làm thành bản sao trong
cơ thể con người, có nghĩa là tất cả các vị Phật, Bồ Tát đều tồn tại
trong chúng ta. Do vậy, có thể đẩy nhanh sự tinh tiến đến mức đồng nhất
được với những bậc quyền năng này và đạt tới giác ngộ ngay trong một đời
người bằng cách nghiêm cẩn tu tập theo nghi thức sử dụng thần chú, thủ
ấn, mandala và quán đỉnh (rưới nước lành lên đầu) với sự trợ giúp của
những đạo sư Lạt Ma. Vì vậy Mật tông rất được nhiều người tin theo, hơn
nữa ở Tây Tạng đó là sự kết hợp Phật giáo từ Ấn Độ với Shaman giáo bản
địa, các thần linh địa phương đều được đưa vào Phật điện và trở thành hộ
pháp của Phật giáo.
Ở Việt Nam, Phật giáo và văn hóa tín ngưỡng của người Việt xưa đã
tiếp biến lẫn nhau, để tạo thành một thứ văn hóa Phật giáo Việt Nam, đặc
biệt phát triển rực rỡ vào thời Lý - Trần dẫn đến sự ra đời phái Thiền
Trúc Lâm với tổ thứ nhất là vua Trần Nhân Tông xuất gia năm 1299. Các
Mẫu (nữ thần Mẹ) trong tín ngưỡng dân gian được thờ trong chùa, đặc biệt
có các chùa gọi là chùa Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp
Điện) thờ nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp của cư dân nông nghiệp (còn được
gọi một cách dân dã là Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Dàn, Bà Tướng), chùa Báo Thiên
ở Thăng Long là nơi rước tượng Pháp Vân ở chùa Dâu về làm lễ cầu mưa
hay cầu tạnh; một trong Tứ Bất tử của người Việt là vị Phật Chử Đồng Tử;
Hương Sơn, Yên Tử trở thành đất Phật linh thiêng; nhiều chùa vừa có
điện thờ Phật vừa có cung thờ thần, thờ người có công với nước, có nơi
cất giữ tro cốt những người quá cố hoặc chùa làm luôn việc cúng giỗ (thờ
“hậu”) những người không có con cái lo hương khói theo tục thờ cúng tổ
tiên của người Việt. Không những chăm lo đời sống tâm linh, Phật giáo
Việt Nam còn quan tâm đến đời sống thế tục của cộng đồng: nhiều chùa có
Tuệ Tĩnh đường chữa bệnh cho người dân, nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người
già không nơi nương tựa, nhiều chùa xưa kiêm luôn việc dạy chữ cho con
em trong làng. Đáp lại, cộng đồng làng xã đóng góp sức của xây chùa, xây
tháp, đúc chuông đúc tượng, sao chép kinh sách, cấp ruộng nuôi nhà
chùa, tổ chức hội chùa thường vào mùa xuân sau khi công việc đồng áng
tạm xong dưới hình thức lễ hội văn hóa của một vùng hoặc nhiều vùng dân
cư. Các Phật tử coi đây là việc công đức, giúp hoằng dương Phật Pháp để
cứu độ được thêm nhiều chúng sinh khác. Văn hóa Phật giáo Việt Nam thấm
đẫm trong đạo đức, trong lối sống của người Việt và chuyển hóa thành một
yếu tố sức mạnh của dân tộc ta trong công cuộc xây dựng Nhà nước độc
lập, phát triển và bảo vệ Đất nước. Vì thế mà Phật giáo Việt Nam đã gắn
liền với lịch sử đời sống dân tộc: chùa là nơi thể hiện tinh hoa kiến
trúc, mĩ thuật điêu khắc Việt ở từng thời kì, nơi lưu giữ bi kí về những
giai đoạn quá khứ, nhà chùa đã nuôi dạy những người con ưu tú của đất
nước như Lý Bí (Lý Nam Đế), Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ), nhiều vị sư có
công lớn với dân với nước như sư Vạn Hạnh, vua Trần Nhân Tông, nhiều vị
vua chúa anh minh là những Phật tử uyên thâm đã vận dụng Phật pháp để
phát triển ý thức dân tộc, xây dựng nhà nước Việt Nam độc lập tự cường
như vua Lý Thánh Tông, vua Trần Thái Tông, khi có ngoại xâm các nhà sư
cùng Phật tử đều cầm vũ khí bảo vệ đất nước, nhiều chùa đã là các cơ sở
kháng chiến.
Đặc biệt, khác với những tôn giáo khác, giáo lí duyên khởi, vô thường
và tính không (vô ngã) của Phật giáo có rất nhiều điểm tương đồng với
khoa học đương đại. Theo thuyết nhà Phật, một sự kiện (quả) chỉ có thể
xẩy ra bởi vì nó nương tựa vào những yếu tố khác (nhân và duyên); vạn
vật hiện hữu luôn vận động và biến đổi, khi duyên hợp thì sinh ra, khi
duyên tán thì hoại diệt; từng sự vật không thể tự có và tồn tại độc lập
được, chỉ có thể hiện hữu (được ghi nhận) trong tổng hòa các mối quan hệ
với các đối tượng khác trong vũ trụ, tức chỉ những mối liên hệ giữa
chúng mới thực sự hiện hữu. Theo khái niệm trùng trùng duyên khởi của
Tông Hoa Nghiêm: Mọi pháp (sự vật) trong vũ trụ đều tương duyên, tương
quan, tương nhập với nhau, cùng có mặt, cùng vận hành trong một dòng
chuyển biến không ngưng nghỉ: “Một là tất cả, tất cả là một”, nghĩa là
tất cả mọi sự vật đều là những bộ phận của cái toàn thể nên không một
cái gì có thể xẩy ra một cách riêng rẽ mà do cái toàn thể quyết định.
Điều này phù hợp với những khám phá và chứng nghiệm của khoa học. Ý niệm
về duyên khởi phù hợp với quan niệm khoa học rằng sự sống cũng như ý
thức xuất hiện từ sự hình thành những phức hợp của các nguyên tử vô
sinh, với phát hiện về tính toàn thể, bất khả phân của không gian trong
vũ trụ học và cơ học lượng tử: giữa các phần tử của một hệ thống có mối
liên hệ toàn cục, nghĩa là một biến cố xảy ra ở một phần tử lập tức các
phần tử khác nhận biết ngay và phản ứng đồng thời; ý niệm về vô thường
tương ứng với ý niệm về tiến hóa trong khoa học vũ trụ, địa chất và sinh
học, chẳng hạn với lí thuyết về sự ra đời của vũ trụ từ vụ nổ lớn Big
Bang được xác nhận bằng quan sát thiên văn cho thấy sự giãn nở của vũ
trụ; lí thuyết Darwin về tiến hóa của sự sống bằng đột biến và chọn lọc
tự nhiên; ý niệm về tính không tương đương với lưỡng tính sóng - hạt của
ánh sáng và vật chất trong thế giối vi mô: photon ánh sáng hoặc
electron là sóng khi ta không quan sát chúng, là hạt khi ta đo lường,
chúng không hiện hữu độc lập, tự thân mà xuất hiện tùy thuộc vào sự
tương tác với người quan sát. Sự đồng quy của các ý niệm Phật giáo với
những kết luận khoa học đã khiến nhà bác học vĩ đại A. Einstein cho
rằng: “Nếu có bất kì một tôn giáo nào có thể đáp ứng được những nhu cầu
của nền khoa học đương đại thì đó chính là Phật giáo”.
Như vậy, cả Phật giáo lẫn khoa học đều có mục tiêu mô tả thực tại.
Khoa học bằng các phương tiện quan sát khác nhau thu lượm những hiểu
biết về thế giối, rồi từ đó bằng phương pháp phân tích cô đọng thành
những quy luật có thể kiểm chứng được nhờ những khí cụ khoa học. Tuy
nhiên việc áp dụng kĩ thuật những thành tựu khoa học đưa lại những hệ
quả có thể tốt hoặc xấu, có ích lợi hoặc tai hại, cho đời sống con
người, thí dụ như năng lượng nguyên tử có thể biến thành điện phục vụ
sản xuất và đời sống nhưng cũng có thể được tích tụ trong những vũ khí
hủy diệt. Ngược lại, Phật giáo trang bị cho hành giả phương pháp quán
tưởng với thiết bị là tâm để nhìn rõ bản tính chân thật của thực tại,
thấy rõ cơ chế vận hành của hạnh phúc và đau khổ, những tiến trình gây
ra những hệ quả độc hại, từ đó dẫn đến sự chuyển hóa sâu sắc nhận thức
về thế giối và hành động của anh ta, đưa tới sự an bình nội tâm và tấm
lòng khoan ái giúp đỡ đối với tha nhân để cùng phát triển[2]./.
TS. Nguyễn Thế Cường, Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét