Một thời, Tôn giả Mahà Kaccàna trú ở Madhurà. Rồi Bà la môn Kandaràyana đi đến, thưa với Tôn giả Mahà Kaccàna như sau:
Tôi có nghe, thưa Tôn giả Mahà Kaccàna: “Sa môn Mahà Kaccàna không kính
lễ, không đứng dậy, không lấy ghế mời ngồi đối với các bậc trưởng lão,
trưởng thượng đã đi quá nửa cuộc đời, đã đạt mức cuối tuổi đời”. Thưa
Tôn giả Mahà Kaccàna, có phải sự tình là như vậy không? Nếu sự tình có
như vậy, thưa Tôn giả Mahà Kaccàna, là không được tốt đẹp.
Này Bà la môn, Thế Tôn, bậc Chánh đẳng giác đã tuyên bố về địa vị của
trưởng lão và tuổi trẻ. Vị trưởng lão, này Bà la môn, 80 tuổi hay 100
tuổi đời, nếu vị ấy thọ hưởng các dục vọng, sống giữa các dục vọng, bị
đốt cháy bởi lửa nhiệt não của dục vọng, bị nhai nghiến bởi các tầm tư
dục vọng, cố gắng tìm cầu các dục vọng; người ấy như vậy được gọi là kẻ
ngu, không phải là bậc trưởng lão. Dù cho, này Bà la môn, một người còn
trẻ, với tóc đen nhánh, trong thời sơ khởi của tuổi đời, mà người ấy
không thọ hưởng các dục vọng, không sống giữa các dục vọng, không bị đốt
cháy bởi lửa nhiệt não của dục vọng, không bị nhai nghiến bởi các tầm
tư dục vọng, không cố gắng tìm cầu các dục vọng; người ấy như vậy được
gọi là bậc có trí, bậc trưởng lão.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Tâm thăng bằng, phần Đất [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.128)LỜI BÀN:
Ở đời, tuổi tác là một nhân tố quan trọng tác thành nên vị trí của
cá nhân trong cộng đồng. Những người đáng tuổi ông, tuổi cha, tóc bạc,
râu dài thì mặc nhiên được hậu sinh kính nễ, tôn trọng. Trong đạo cũng
vậy, những bậc trưởng lão, thâm niên lại càng được kính nễ và tôn trọng
hơn.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề tuổi tác ra, nhân cách và tuệ giác của
chính vị ấy mới là nhân tố quyết định địa vị đích thực của họ trong cộng
đồng xã hội hoặc trong Tăng đoàn. Nhất là đối với hàng xuất gia thì
phạm hạnh hay đức độ cùng với tuệ giác quyết định hoàn toàn vị trí của
họ trong Tăng chúng.
Điều này giới luật đã quy định rạch ròi, đơn cử như một người dù
lớn tuổi nhưng xuất gia và thọ giới sau thì phải ngồi dưới hoặc sau (hạ
tọa). Nhưng sự phân biệt về thứ lớp có tính hình thức bên ngoài chưa
phải là điều quan trọng, cốt tủy của vấn đề là thành tựu ly tham, ly dục
biểu hiện bằng đạo đức, phẩm hạnh và tuệ giác nơi mỗi cá nhân. Thiếu
vắng hoặc khiếm khuyết những phẩm chất giải thoát này thì dù cho vị ấy
có niên cao lạp trưởng, thường ngồi cao hay ngồi trên trong chúng Tỷ
kheo thì vẫn là bậc hạ tọa, trung tọa mà không phải là bậc trưởng lão.
Thì ra, ly dục và vượt thoát lưới dục mới là chất liệu kiến tạo nên
địa vị trưởng lão. Chưa thoát ly khỏi trói buộc của tham đắm lợi danh,
dù người ấy được tôn vinh tới đâu đi nữa, theo Thế Tôn chỉ là hàng vô
trí, bậc hạ tọa mà thôi. Vậy nên, bậc có trí, hàng trưởng lão đích thực
luôn phản tỉnh để biết rõ tâm mình, bởi trạng huống của nội tâm trong
hiện tại phản ánh vị trí của mình trong Tăng đoàn chính xác nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét